Những 'xác cây rừng' trong hồ chứa nước của thủy điện Sông Giang 2 (Kỳ 2)

Để thực hiện dự án thủy điện Sông Giang 2, tỉnh Khánh Hòa đã phải đánh đổi hơn 161 ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Ngoài ra, khi vận hành, thủy điện này còn tiếp tục gây ngập úng, ảnh hưởng tới hơn 12 ha rừng nữa.
Khánh Hòa: Bao nhiêu ha rừng ‘ngã xuống’ để đổi lấy 2 dự án thủy điện Sông Giang? (Kỳ 1)Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đâu là sự thật trong việc đổ thải sai quy định?Dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng: Đổ thải không đúng nơi quy định tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễmPhát triển thuỷ điện nhỏ phải thích ứng với biến đổi khí hậu

Không ít chuyên gia đã lên tiếng khẳng định, việc rừng bị lấy đi quá nhiều là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Có thể thủy điện không làm tăng lũ nhưng việc chặt hạ những cánh rừng để làm thủy điện khiến cơn lũ hung dữ hơn, thảm khốc hơn và thiệt hại nặng nề hơn.

Thế nhưng, tại tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm ha đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và cả rừng sản xuất đã phải chuyển đổi mục đích để nhường chỗ cho 2 dự án thủy điện Sông Giang 1 và Sông Giang 2. 

Đánh đổi hơn 161 ha rừng cho thủy điện Sông Giang 2

Thủy điện Sông Giang 2 đã đi vào hoạt động từ năm 2015 với công suất 37 MW. Dự án này do Công ty Cổ phần Khai thác Thủy điện Sông Giang làm chủ đầu tư.

Công trình Thủy điện Sông Giang 2 nằm trên xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu từ vào năm 2010. Tổng diện tích thu hồi để thực hiện dự án thủy điện Sông Giang 2 là 240 ha. Trong đó, có hơn 161 ha là đất rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng (trong đó có rừng tự nhiên và rừng phòng hộ). Diện tích chưa có rừng là hơn 78 ha.

tm-img-alt
Đập ngăn nước của thủy điện Sông Giang 2. Ảnh: V.Chương. 

Được chuyển đổi hơn 161 ha rừng làm thủy điện, Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang đã nộp hơn 6,2 tỉ đồng tiền nộp trồng rừng thay  thế theo quyết định số 3398/QĐ-UBND ngày 24/11/2015 của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Như vậy, một dự án thủy điện công suất 37 MW với hơn 6,2 tỉ đồng tiền nộp trồng rừng thay thế, kết quả là hơn 161 ha rừng biến mất.

Trước đó, cũng để thực hiện dự án thủy điện Sông Giang 1 với công suất 12 MW, chủ đầu tư dự án này cũng đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 134 ha rừng (trong đó có 17,4 ha rừng phòng hộ, 117 ha rừng sản xuất).

Với hai dự án thủy điện trên dòng sông Giang với công suất khoảng 49 MW, tỉnh Khánh Hòa đã phải “đánh đổi” gần 300 ha đất rừng, trong đó có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Không chỉ liên quan đến việc “đánh đổi” rừng lấy thủy điện, khi khai thác, thủy điện Sông Giang 2 còn nảy sinh rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên đất và rừng.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang thuê tổng diện tích gần 1,7 tiệu m2 (quyết định số 1579/QĐ-UBND), thời hạn 50 năm. Công ty này cũng đã được UBND tỉnh cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích trên. 

Trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa do Giám đốc Sở là bà Lê Thu Hải ký có nội dung: “Đối với nội dung phản ánh về việc dự án thủy điện Sông Giang 2 sử dụng phần diện tích 32 ha đất mà chưa được cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đề nghị UBND huyện Khánh Vĩnh, UBND xã Khánh Trung là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương xác định thực trạng sử dụng đất của dự án làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý đối với nội dung phản ánh”.

“Nghĩa địa cây” giữa dòng sông Giang

Thời gian di chuyển bằng xe máy từ dự án thủy điện Sông Giang 2 lên công trường dự án thủy điện Sông Giang 1 mất khoảng 40 phút đường đồi núi. Đi trên những con đường đất đá lởm chởm chạy dọc sông Giang, nhiều người không khỏi rung mình bởi “nghĩa địa cây rừng”.

tm-img-alt
Một góc nhỏ trên dòng sông Giang nơi cây cối bị chết. Ảnh: V.Chương. 

Theo quan sát của phóng viên vào cuối tháng 3/2021, mặc dù thời điểm sông Giang ít nước nhưng tình trạng cây chết xảy ra ở khá nhiều địa điểm. Dưới dòng sông Giang cũng được xem là hồ chứa nước của thủy điện Sông Giang 2, nhiều cây cối trụi lá, bong tróc vỏ, xác cây nổi lềnh phềnh trên mặt nước.

“Rất nhiều cây bị chết có thể do úng nước. Họ ngăn đập thủy điện Sông Giang 2 khiến mực nước dâng cao hơn bình thường”, anh H. một người dân bản địa, người đi cùng với chúng tôi đã nói như vậy.

Anh H. nói thêm, đây là vào mua khô nước dâng ít, chứ mùa mưa thì nước còn ngập cao hơn, ảnh hưởng đến nhiều khu vực hơn nữa.

Được biết, sông Giang là phụ lưu cấp 1 của sông Cái. Sông này bắt nguồn từ núi Chư Tông (độ cao 1706 m) ở ranh giới tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng. Con sông này chảy theo hướng Đông Nam qua xã Khánh Trung huyện Khánh Vĩnh. Anh H. nói rằng, mùa mưa, nước từ trên núi chảy xuống, mực nước dâng lên rất cao.

tm-img-alt
Việc tích nước của thủy điện Sông Giang 2 đã gây ngập úng thêm hơn 12 ha của Công ty Trầm Hương. Ảnh: V.Chương. 

Theo Công văn số 482/LNTH-KTh ngày 26/12/2020 của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương (đơn vị quản lý rừng tại xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), khi lòng hồ thủy điện Sông Giang 2 tích nước đã gây ngập úng, thiệt hại 12,84 ha đất rừng của Công ty Trầm Hương đang quản lý. Vấn đề này Công ty Trầm Hương đã kiến nghị với các sở, ngành và Công ty Cổ phần Khai thác thủy điện Sông Giang tiến hành các thủ tục thu hồi đất.

Như vậy, ngoài việc đánh đổi 161 ha rừng, khi thủy điện Sông Giang 2 đi vào hoạt động đã gây ngập úng, thiệt hại thêm hơn 12,84 ha diện tích rừng nữa.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Lê Văn Trung, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương xác nhận: “Có việc lòng hồ thủy điện Sông Giang 2 khi tích nước khiến hơn 12 ha đất rừng của công ty chúng tôi bị ngập nước. Công ty cũng đã có văn bản báo cáo gửi các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Khánh Hòa. UBND tỉnh có chỉ đạo công ty làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường để làm thủ tục để thu hồi đất của chúng tôi để cho thủy điện sông Giang  thuê lại diện tích hơn 12 ha đất rừng đó”.

Ông Trung nói thêm, Công ty Trầm Hương là đơn vị được tỉnh giao quản lý rừng. Việc thu hồi đất rừng, cho thuê để làm dự án thủy điện là quyết định của UBND tỉnh.

Liên quan đến việc “đánh đổi” hàng trăm ha rừng để lấy 2 dự án thủy điện Sông Giang 1, Sông Giang 2, ông Trung chia sẻ: “Đánh giá việc này phải là các cơ quan chức năng. Nhưng trước hết là mình thấy bị mất rừng. Về môi trường thì chắc chắn nó phải suy giảm rồi. Điều đó ai cũng thấy. Mất đi hàng trăm ha rừng thì khu vực đó bị giảm độ che phủ rừng. Còn hiệu quả về kinh tế, xã hội như thế nào đối với 2 dự án thủy điện thì tôi không thể đánh giá được”.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đăk Lăk) đã kiến nghị đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Đại biểu Xuân nói rằng, việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có không ít các dự án kém hiệu quả, dẫn tới một số hậu quả như phá vỡ sinh kế và mất rừng.

Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua, là lợi bất cập hại, sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho hạ lưu, trong khi rừng, cây rừng và các loại tài nguyên khác bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp.

(Còn nữa)

V.Chương
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường