Những phi công trẻ của Vietnam Airlines vẫn miệt mài bay dịp Tết Canh Tý để đưa hành khách về quê sum vầy bên gia đình. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
“Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề, đó là điều khó quên đối với mỗi phi công khi đem lại niềm vui cho mọi người. Dù đã quen dần với cảm giác đón Giao thừa trên... trời nhưng vẫn không khỏi nao lòng mỗi khi dịp Tết về...,” anh Lê Huy Hoàng, phi công của Đoàn tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines mở đầu câu chuyện...
Đón Giao thừa trên “chín tầng mây”
Sinh năm 1991, là một trong những phi công trẻ đường dài của đội bay Airbus A350 của Vietnam Airlines, có anh ruột là phi công nên ngay từ nhỏ mỗi khi nhìn thấy anh trai mặc đồng phục về nhà, Hoàng rất thích thú khi được nghe kể nhiều câu chuyện về việc điều khiển chú “chim sắt” chao lượn trên bầu trời.
Đam mê ngày một lớn dần, khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Hoàng đã đăng ký quyết định chọn việc “chinh phục bầu trời” làm đích đến cho tương lai. Trải qua 4 năm trong nghề phi công, anh không đếm xuể hết số chuyến bay đường dài của mình.
Trong vô vàn chuyến bay ấy, với anh, những chuyến bay Tết luôn để lại ấn tượng đặc biệt. Tết là thời gian mọi người dành cho gia đình, sum vậy họp mặt với tất cả thành viên nhưng với ngành phi công lại là thời gian cao điểm phục vụ hành khách.
Tối 30 Tết, có những năm Hoàng phải cất cánh đúng vào thời điểm Giao thừa khi mọi người đang quây quần bên nhau ngắm pháo hoa hoặc cùng nâng ly rượu chúc mừng năm mới. Tuy nhiên, anh bảo đó cũng là một trải nghiệm, một cảm giác lạ khó quên.
“Dù đã quen dần với cảm giác ấy nhưng vẫn không khỏi nao nao mỗi khi dịp Tết về. Nếu bảo không buồn thì tự dối lòng nhưng cũng thấy vui khi đã góp phần nhỏ bé giúp các gia đình đoàn tụ,” Hoàng nhớ lại về cảm xúc trong mỗi chuyến bay Tết.
Những ngày như vậy, sau mỗi chuyến bay đến nước ngoài, Hoàng lại cùng các thành viên phi hành đoàn đón Tết xa xứ, chia sẻ niềm vui đón chào năm mới với các anh chị em tiếp viên - những người cũng vì nhiệm vụ mà xa gia đình, xa quê hương.
“Sau mỗi chuyến bay, có thể đưa hành khách hạ cánh an toàn, đi đến nơi về đến chốn chính là niềm vui lớn nhất. Việc trở thành phi công chính thức của Vietnam Airlines không chỉ thỏa mãn niềm ao ước mà còn mang lại sự hãnh diện cho gia đình,” chàng phi công trẻ tuổi nói.
Vị Tết nơi xứ người
Trong tâm trí anh Đặng Ngọc Huy, sinh năm 1983, Cơ phó đội bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines, giờ phút thiêng liêng của sự sum họp ngày Tết luôn in đậm.
“Hầu như năm nào mình cũng bay Tết, đó là điều khó quên đối với mỗi phi công khi mình mang lại niềm vui cho mọi người. Bay Tết là đặc thù riêng trong nghề của mình,” anh Huy tâm sự.
Sau khi hoàn thành các khâu chuyên môn chuẩn bị cho chuyến bay, Tổ bay sẽ xuống chúc Tết các hành khách. Mọi người cũng dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau về một năm mới thành công và bình an. Cơ trưởng, Cơ phó sẽ lì xì những thành viên trong Tổ bay.
Anh Đặng Ngọc Huy, Cơ phó đội bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines hầu như năm nào cũng bay Tết. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Người phi công trẻ tuổi nhớ như in về những ngày Tết nơi xứ người khi anh và những đồng đội của mình đón mùa xuân trên đất khách. Sau khi bay đến nơi, đội tiếp viên đã chuẩn bị bánh chưng, giò,… để các thành viên trong phi hành đoàn có thể thưởng thức những món ăn, hương vị ngày Tết quen thuộc ở quê nhà...
“Đối với mình, những điều đơn giản như vậy thôi nhưng cũng đủ mang lại chút hơi ấm quê hương trong những ngày làm việc xa đất nước,” anh Huy mỉm cười khi chia sẻ về nỗi niềm của nghề phi công mỗi khi Tết đến xuân về.
Theo anh Huy, các thành viên Tổ bay đều xem nhau như những thành viên trong một gia đình và đón Tết xa quê đã là một phần không thể thiếu trong công việc. Tất cả thành viên không chỉ tự làm quen với điều đó mà còn động viên nhau cùng cố gắng để hoàn thành công việc, mang đến sự an toàn và hài lòng cho hành khách.
“Đối với người Việt, ngày Tết là dịp lễ thiêng liêng, quan trọng trong một năm nhưng ở nước ngoài thì đó lại là một ngày bình thường nên không khí không có gì đặc biệt. Khi đi ra ngoài đường, bạn sẽ không thấy được cảm giác ấm cúng của một ngày Tết. Nhiều lúc cũng cảm thấy tủi thân nhưng phải tự nhủ lòng tất cả vì công việc,” anh Huy bùi ngùi nhớ lại.
Niềm hạnh phúc, ấm áp nhất đối với các chàng phi công là nụ cười, niềm vui khi giúp đỡ những hành khách vội vã lên chuyến bay trở về quê ăn Tết, trong đó có cả những người con xa xứ. Phi công là nghề luôn luôn phải học hỏi, tự trau dồi, mình cũng tự ý thức việc chỉnh chu trong công việc để giữ hình ảnh của một phi công Vietnam Airlines.
“Dù là chuyến bay ngày thường hay là chuyến bay Tết thì an toàn hành khách luôn được đặt lên hàng đầu. Được phục vụ hành khách trên mỗi chuyến bay không chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm vui của phi công và tiếp viên. Vì vậy dù khi mọi người đang đón giao thừa, những người phi công hay tiếp viên vẫn sẵn sàng xách vali lên và đi để mang cái Tết trọn vẹn đến mọi nhà,” hai phi công của Vietnam Airlines chia sẻ.