Nỗi lo thừa điện sau 'cơn sốt' năng lượng tái tạo

Việc phát triển rất nhanh các dự án năng lượng tái tạo trong khi nhu cầu dùng điện xuống thấp đã dấy lên mối lo thừa điện, dẫn tới phải cắt giảm huy động nhiều nhà máy.
Tạo hành lang pháp lý để phát triển năng lượng tái tạo trên biểnNghịch lý thừa năng lượng tái tạoĐiện gió, điện mặt trời là tương lai của ngành năng lượng Việt Nam

Ngày 22/2, Bộ Công Thương cho biết, vừa có văn bản số 828 xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).

Đánh giá về kết quả xây dựng nguồn điện, dự thảo Quy hoạch điện VIII cho hay, trong khi tổng các nguồn điện chỉ đạt 93,7% tổng công suất đặt so với quy hoạch cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó các nguồn nhiệt điện chỉ đạt 57,6% thì các nguồn năng lượng tái tạo lại vượt mức tới 205%.

tm-img-alt
Các dự án năng lượng tái tạo đăng ký đã vượt xa dự kiến cho 2045.

Tính đến hết 2020, hệ thống điện của Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn khoảng 69 GW, trong đó nhiệt điện than khoảng 30%, thuỷ điện chiếm 30%, tuabin khí và nhiệt điện chạy dầu khoảng 13%. Số còn lại là năng lượng tái tạo (26%) và nhập khẩu. Trong số 26% của năng lượng tái tạo thì điện mặt trời chiếm 24%, điện gió 1%, điện sinh khối 1%.

Về điện mặt trời, nếu như cuối 2019 mới chỉ khoảng 4,7 GW thì 1 năm sau đã tăng lên tới 16,7 GW.

Nhưng đáng chú ý, dự thảo quy hoạch cho hay nếu tính cả dự án đã vận hành, được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và cả dự án đã đăng ký để bổ sung vào quy hoạch thì tỉ trọng năng lượng tái tạo đết tháng 1/2021 lên tới 180 GW. Con số này đã vượt xa con số dự kiến 121 GW trong cơ cấu nguồn năm 2045.

Chỉ tính riêng về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây nguyên đạt khoảng 1.500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5.500 MW. Hay khu vực Nam Trung bộ, tính toán đạt khoảng 5.200 MW nhưng đã đăng ký tới 11.600 MW. Tương tự, khu vực Nam bộ dự kiến đạt khoảng 9.200 MW nhưng đã đăng ký 14.800 MW.

Hoặc đối với điện gió, năm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây nguyên là 4.000 MW nhưng đã đăng ký gấp 2,5 lần; khu vực Nam bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW.

“Nếu không tính toán tối ưu, một cách tổng thể, dài hạn, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện và lãng phí trong đầu tư hạ tầng lưới điện, hậu quả là tổn thất lâu dài về kinh tế - xã hội”, dự thảo Quy hoạch điện VIII nêu.

Nỗi lo thừa... điện

Sự bùng nổ quá nhanh của các dự án năng lượng tái tạo, trong khi không đầu tư hệ thống pin lưu trữ đã khiến hệ thống điện bắt đầu gặp những thách thức trong vận hành, đặc biệt là vào giai đoạn nhu cầu tiêu thụ điện giảm sút do tác động của Covid-19 như hiện nay.

Thống kê được công khai trên website của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) thời gian gần đây cho thấy, vào các ngày làm việc trong tuần, tiêu thụ điện ở cao điểm sáng (9 - 11h) lẫn ở thời gian năng lượng mặt trời có bức xạ tốt nhất (10 - 13h hàng ngày) là không cao, chỉ quanh mức công suất 30.000 MW.

Như vậy, nếu so nhu cầu 30.000 MW với tổng công suất đặt của hệ thống đã lên tới khoảng 66.000 MW sẽ thấy rõ một lượng lớn các nhà máy điện, kể cả điện mặt trời lẫn nhiều nguồn điện khác sẽ phải chịu cảnh cắt giảm phát điện.

Việc cắt giảm còn diễn ra trầm trọng hơn vào các ngày cuối tuần. Đơn cử, Chủ nhật cuối cùng của năm 2020 (ngày 27/12/2020), nhu cầu phụ tải lúc 13h chỉ là 20.565 MW, khiến rất nhiều nhà máy dù sẵn sàng phát điện, nhưng không được huy động.

tm-img-alt
Phát triển năng lượng tái tạo đang là câu chuyện "nóng" hiện nay.

Cụ thể, đã có khoảng 3.000 MW điện mặt trời bị cắt giảm trong ngày 27/12. Trước đó, ngày 26/12, cũng đã có 2.000 MW điện mặt trời bị cắt giảm.

Với thực tế được ưu tiên mua do là nguồn năng lượng tái tạo, nhưng với mức giá bán điện cao (đa phần ở mức 9,35 UScent/kWh với điện mặt trời trang trại lớn và 8,38 UScent/kWh với điện mặt trời áp mái nhà), cũng như tính chất không ổn định của điện mặt trời trong đảm bảo vận hành an toàn của hệ thống, nên tỉ trọng năng lượng tái tạo nói chung, trong đó có điện mặt trời, được các chuyên gia vận hành khuyến nghị chỉ nên ở mức 20% của hệ thống.

Cũng khác với việc cắt giảm công suất được cảnh báo từ cách đây 2 năm do lưới truyền tải không kịp phát triển với sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời lớn, việc cắt giảm điện của các nhà máy điện mặt trời hiện nay đến từ nguyên nhân thừa điện và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hệ thống điện mặt trời mái nhà được phát triển rầm rộ gần đây.

Sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021

Cũng liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm.

Theo tính toán của cơ quan này, khoảng 1,3 tỉ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm do vấn đề thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV từ miền Trung ra Bắc. "Đây là khó khăn lớn nhất trong việc vận hành năm nay", ông Ninh nói.

Theo ông, trong các giờ thấp điểm trưa không thể giảm các nguồn điện khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo. Nếu không tính theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa, tỉ trọng điện mặt trời lên tới 50-60% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, đặc biệt các ngày cuối tuần. Trước đó, báo cáo tổng kết của EVN đưa ra con số 25%.

Do vậy, để giảm bớt việc cắt giảm lượng lớn công suất nhà máy điện gió, điện mặt trời, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị điều chỉnh giờ phát của các thuỷ điện nhỏ, đặc biệt là ở khu vực miền Trung sang các giờ khác, tránh khung từ 11h trưa đến 1h chiều, vốn là thời gian bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày. Đồng thời, phân bổ lại công suất phát của điện mặt trời áp mái. Hiện tỉ trọng của điện mặt trời áp mái so với trang trại điện mặt trời đã xấp xỉ 90%.

Bên cạnh đó, ông Ninh cũng cho rằng cần có cơ chế, nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống dư thừa hoặc quá tải lưới điện. "Trung tâm điều độ nói riêng, EVN nói chung rất lúng túng trong thứ tự huy động này", ông nói.

Do phát triển thiếu tầm nhìn

Theo PGS.TS Bùi Thiên Dụ, việc phát triển điện mặt trời thiếu tầm nhìn đã dẫn đến không giải tỏa hết công suất. Các vấn đề về lưới truyền tải đã không được tính toán, kiểm soát chưa chặt chẽ các công trình điện mặt trời. Các cơ chế, chính sách về phát triển điện mặt trời thời gian qua đều thiếu tính bền vững, chủ yếu là chắp vá. Dẫn chứng cho việc này, ông Bùi Thiên Dụ cho biết khi Quyết định 11 về khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực, nhà đầu tư, người dân đã phải "ngóng" một thời gian dài để có chính sách mới thay thế đó là Quyết định số 13.

Theo phân tích của vị chuyên gia này, các chính sách không dài hơi dẫn đến phát triển ồ ạt, gây áp lực lên việc giải tỏa công suất. Nếu "tuổi thọ" của chính sách đủ cho các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng khi triển khai thì sẽ không phải chạy theo hạn chót như thời gian qua. Ông Dụ nhấn mạnh thêm vừa qua chúng ta khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế hấp dẫn, nhưng đến nay do thiếu sự đồng bộ về lưới điện, phải cắt giảm công suất như dự báo của EVN là "đẩy rủi ro" về phía nhà đầu tư, người dân.

Minh Phương
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường