Ồ ạt 'xẻ thịt' đất rừng xây dự án nghỉ dưỡng, biệt thự tại tỉnh Hòa Bình

Tại Hòa Bình, những quả đồi, vạt rừng nằm ven hồ bị đốn hạ, san gạt không thương tiếc để xây dựng hàng loạt biệt thự nghỉ dưỡng đắt tiền…
Khánh Hòa: Bao nhiêu ha rừng ‘ngã xuống’ để đổi lấy 2 dự án thủy điện Sông Giang? (Kỳ 1)Vườn Vua Resort: Dự án bất động sản nghỉ dưỡng chỉ có thời hạn thuê đất 50 nămAi 'nhắm mắt' cho Vườn Vua Resort khai thác nước khoáng ngầm không phép?

Đáng chú ý là dự án Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill được chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng đề xuất sử dụng hơn 63.000 m2 đất rừng.

Suốt từ năm 2017, nhà đầu tư này đã huy động thiết bị máy móc, phương tiện cơ giới san gạt mặt bằng, cạo trọc thảm thực vật và làm biến dạng địa hình khu đồi rộng lớn ở khu vực đỉnh Cun, phường Thống Nhất, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để xây dựng nhiều hạng mục công trình như đường đi, nhà lớn, sân vườn, hồ bơi…

tm-img-alt
Chủ đầu tư dự án Kami Cun Hill xẻ thịt đất rừng đỉnh Cun để xây dựng các hạng mục công trình bê tông hóa.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình xác định, trong tổng số hơn 63.000 m2 đất trên có 4,25 ha rừng sản xuất, 1,77 ha rừng phòng hộ và 0,31 ha ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác theo quy định tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII…

Thực tế, Chủ đầu tư dự án Kami Cun Hill cũng chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trong thông báo số 188 ngày 22/1/2020 về việc từ chối hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: “Đề nghị nhà đầu tư dừng tổ chức thi công xây dựng các hạng mục ở khu vực đề xuất thực hiện dự án”.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện thi công không đảm bảo các điều kiện về pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư".

Thế nhưng, rất nhiều hạng mục xây dựng khác của dự án Kami Cun Hill vẫn tiếp tục mọc lên dù cho Sở Kế hoạch và Đầu tư đã “tuýt còi”.

Tương tự, tại dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn, tên thương mại là Ivory Villas Resort Hòa Bình (Ivory) do Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình làm chủ đầu tư, có diện tích 66 ha, thuộc xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, được cấp chứng nhận đầu tư vào tháng 6/2010.

Đầu tháng 11/2011, tỉnh Hòa Bình tiếp tục ban hành quyết định thu hồi đất và cho Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình thuê đất để xây dựng Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn.

Theo đó, thu hồi 660.000 m2 đất các loại, chủ yếu là đất rừng tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý để cho Công ty Cổ phần Archi Reenco Hòa Bình (Công ty Archi) thuê, thời gian đến ngày 7/6/2059 (48 năm tính từ năm 2011).

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, theo Điều 22, Luật Nhà ở 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải được lập, thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua các hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định chủ đầu tư.

“Việc giao đất ở dự án Ivory Villas Resort Hòa Bình không qua đấu giá có gây thất thoát ngân sách hay không thì cơ quan thanh tra cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý cụ thể hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm”, luật sư Tùng nói.

Sau 3 tháng thu hồi và giao đất (4/2011), Phó Chủ tịch tỉnh Hòa Bình Quách Thế Hùng ký cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Archi, trong đó ghi rõ mục đích sử dụng: Đất cơ sở sản xuất, kinh doanh; Nguồn gốc sử dụng: Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm.

Sau 5 năm giao đất, đến cuối năm 2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh (nay là Chủ tịch tỉnh) ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lần 1, giai đoạn 1, cho phép chuyển 90.350 m2 đất thương mại, dịch vụ thành các loại đất khác nhau.

Trong đó, 12.600 m2 được chuyển thành đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài; 22.000 m2 đất sử dụng 50 năm; 22.600 m2 đất giao thông sử dụng lâu dài; 33.000 m2 đất công cộng.

Do số liệu cộng sai, tháng 8/2017, ông Khánh tiếp tục ký quyết định điều chỉnh diện tích đất ở được chuyển mục đích lên thành 34.600 m2.

Cũng trong năm 2017, ông Khánh tiếp tục ký quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lần 2 tại dự án này với diện tích 156.757 m2, trong đó có 76.600 m2 chuyển thành đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài.

Tính chung, sau 2 lần chuyển mục đích sử dụng đất, tỉnh Hòa Bình đã giao cho doanh nghiệp 111.200 m2 đất ở nông thôn.

Căn cứ theo quyết định chủ trương đầu tư mới (năm 2019), diện tích sẽ chuyển đổi trên toàn bộ dự án là 195.173 m2 đất ở. Hiện tại, đã chuyển 111.200 m2, còn lại 95.000 m2 nữa đang chờ hợp thức hóa.

Hay tại dự án Sanaka Hòa Bình nằm trên địa bàn xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cũng đang được san gạt để xây dựng dự án biệt thự nghỉ dưỡng thượng lưu đạt chuẩn 5 sao, mang tên SAKANA Hòa Bình. Diện tích dự án lên tới 12,1 ha.

Nằm liền kề đó, còn xuất hiện nhiều dự án biệt thự nhà vườn, kết hợp sinh thái trồng rừng, với tổng diện tích trên 40 ha. Có thể kể tên, như biệt thự nghỉ dưỡng phong cách Nhật Bản Kai Village and Resort (chủ đầu tư là Công ty Zen Việt Nam), diện tích trên 10 ha, với 112 biệt thự. Hay như khu nghỉ dưỡng Onsen Villas & Resort Hòa Bình của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư nghỉ dưỡng Việt Nhật, được quảng bá mật độ xây dựng 20%…

Những dự án này đều cùng có một điểm chung, phần lớn diện tích là đất đồi, đất rừng sản xuất và ôm sát lấy hồ Dụ. Các dự án kể trên đều đã mở cửa đón khách, với những ngôi biệt thự sang trọng giá trị hàng chục tỉ đồng.

Loại bỏ 57 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng

Thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp đã tiếp nhận, tham mưu rà soát, thẩm định 87 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng của 31 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 13.865 ha (gồm: 7.909 ha rừng tự nhiên, 5.956 ha rừng trồng).

Sau khi rà soát, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Tổng cục Lâm nghiệp đã báo cáo Bộ để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 30 dự án.

"Việc chuyển mục đích sử dụng rừng đã được các Bộ, ngành và chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ, rà soát, thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng quy định của pháp luật, không để lợi dụng việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên để phá rừng, đặc biệt đối với các dự án về thủy điện", Tổng cục Lâm nghiệp nêu.

Hà Lan