Cụ thể, ngày 27/4, Đoàn kiểm tra của Cục nghiệp vụ QLTT- Tổng cục QLTT phối hợp Đội QLTT số 3 - Cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Khí đốt Vịnh Phát có địa chỉ tại Lô A3, cụm công nghiệp Nhị Xuân, ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TP.HCM.
Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện trên sàn trạm nạp LPG của Công ty TNHH Khí đốt Vịnh Phát có 403 chai LPG loại 12 kg và 16 chai LPG loại 45 kg. Toàn bộ số chai LPG nêu trên có dấu hiệu được chiết nạp LPG vào chai không thuộc sở hữu của thương nhân sở hữu trạm nạp. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện lưu trữ chai LPG của thương nhân không có hợp đồng thuê chiết nạp LPG vào chai tại trạm nạp.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số chai LPG có dấu hiệu vi phạm pháp luật nêu trên đồng thời tiến hành gửi vào kho đảm bảo điều kiện lưu trữ LPG để xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Những năm gần đây, tình trạng san chiết gas trái phép đang trở nên đáng báo động. Theo ước tính của Chi hội Gas miền Nam, khoảng 30% lượng gas lưu thông trên thị trường là gas sang chiết trái phép. Nhiều cơ sở san chiết gas trái phép bị các cơ quan phát hiện xử lý nhưng có thể nói đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định: "Gas là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, do đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2018/NÐ-CP ngày 15/6/2018 về kinh doanh gas thay thế cho các nghị định trước đây. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 67/2017/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu và gas. Nội dung các nghị định này quy định rõ điều kiện sản xuất, kinh doanh gas của từng đối tượng, thương nhân cũng như quy định về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là các hành vi sang, chiết, nạp gas trái phép".
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Huy An dẫn chứng, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 192 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Cũng theo Luật sư Huy An, tại Khoản 4 Điều 43 Nghị định số 67 đã quy định rất cụ thể về xử lý các lỗi vi phạm sang chiết LPG trái phép, như sau: “4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này; b) Tịch thu chai LPG và LPG chai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này”.