Phát triển bền vững trong ‘thế chân kiềng’: Kinh tế - Xã hội – Môi trường

Phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: Kinh tế tăng trưởng bền vững; Xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành - Tài nguyên được duy trì bền vững.
Sắp diễn ra Tọa đàm: 'Kinh tế Môi trường - Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam'TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam quyết tâm với sứ mệnh bảo vệ môi trườngHà Tĩnh: PV Kinh tế Môi trường phối hợp với công an bắt đoàn xe chở đá bạc 'lậu' (Kỳ 3)

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời 3 bình diện phát triển: Kinh tế tăng trưởng bền vững; Xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả “thế chân kiềng” kinh tế, xã hội, môi trường.

Phát triển bền vững về kinh tế

Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh, an toàn và chất lượng. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế, trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. 

Khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).

Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế. (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Phát triển bền vững về xã hội

Phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí như: Chỉ số phát triển con người (HDI - Human Development Index), hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; Có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; Mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; Chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

tm-img-alt
Ảnh minh họa nguồn Zing.vn. 

Công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số HDI là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: Thu nhập bình quân đầu người; Trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh.

Phát triển bền vững về xã hội chú trọng vào sự công bằng và xã hội luôn cần tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người và cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được. Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; Hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa; Ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ; Bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa; Năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; Sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.

Phát triển bền vững về môi trường

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới..., đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định cho phép môi trường tiếp tục hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên trái đất.

tm-img-alt
Công tác quản lý môi trường từng bước được cải thiện, tuy nhiên vấn đề môi trường cũng đang gặp phải không ít những thách thức. 

Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản sau: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm...

Cho tới nay, khái niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung. Mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.

Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Theo khảo sát, đánh giá, xếp hạng của Liên Hợp Quốc về ề chỉ số phát triển bền vững của các quốc gia, các nền kinh tế. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 88. Năm 2017, chúng ta đứng thứ 68. Năm 2018 là đứng thứ 57. Năm 2019 đứng thứ 54. Và với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100

“Việt Nam được Liên Hợp Quốc, các cơ quan của Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia được kỳ vọng nhiều nhất, 1 trong 10 nước chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững cho các nước trên thế giới. Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế kỳ vọng Việt Nam tiếp tục là một tấm gương sáng về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Cuối quý I/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xác định những thách thức cũng như cơ hội cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Thời gian dự kiến: 8h30-11h30 ngày 24/3/2021

Địa điểm: Hội trường Tầng 2 VPlace, tòa nhà 84 Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tọa đàm hứa hẹn là cuộc thảo luận bàn tròn thú vị, quy tụ các diễn giả nổi tiếng, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các nhà kinh doanh tiên phong trong lĩnh vực Kinh tế Môi trường tại Việt Nam.

Cẩm Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường