Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới đang diễn biến ngày càng phức tạp, đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, khiếu nhiều nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
VIASEE cần phát huy nhiệm vụ phản biện, giám định xã hộiHội Kinh tế Môi trường Việt Nam là tổ chức tiên phong bảo vệ môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam

Trong khi các nước trên thế giới phải huy động tối đa các nguồn lực để chống chọi với dịch bệnh thì Việt Nam tự hào là một quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19 nhờ sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo đời sống nhân dân, trong đó nhấn mạnh vai trò trọng tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân.

Thảo luận tại tổ Dự án Luật bảo vệ môi trường sửa đổi vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh “Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”. 

tm-img-alt
TS. Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Doanh nghiệp, doanh nhân giữ vai trò trung tâm

Xuyên suốt lịch sử nhân loại, phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường là phương án tối ưu, mang lại hiệu quả lâu dài, giúp bảo vệ Trái đất xanh.

Tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Định hướng ưu tiên về phát triển kinh tế là từng bước thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, sử dụng năng lượng sạch tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động kinh tế đến môi trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,02% và là năm thứ hai liên tiếp có mức tăng trưởng trên 7% kể từ năm 2011, trong đó sự đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp đạt trên 60% vào GDP, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Có thể thấy, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đoàn thể xã hội, mỗi người dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm, tiên phong trong công cuộc thực hiện chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.

“Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế” (Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị).

tm-img-alt
Việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của mỗi quốc gia mà còn là nghĩa vụ của mỗi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)

Mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường

Với hơn 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Việt Nam đạt được thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) chỉ đạt 4,4%, thì đến năm 2019 đạt 7,02%. Năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng dương.

Khu vực doanh nghiệp có đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GDP, thu hút khoảng 85% lao động thị trường. Doanh nghiệp mới thành lập tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, nhiều mô hình kinh doanh mới áp dụng kinh tế số đã tạo ra các doanh nghiệp lớn tiên phong trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, thân thiện với môi trường, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.     

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sức ép môi trường đang đe dọa tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Chất lượng môi trường ở nhiều nơi đến mức báo động, ô nhiễm môi trường nước, không khí ở các đô thị lớn, khu công nghiệp, các làng nghề ngày càng gia tăng trầm trọng.

Rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề, tài nguyên, khoáng sản bị khai thác bừa bãi, đất đai bị xói mòn và thoái hoá; Đa dạng sinh học trên đất liền và dưới biển đều bị suy giảm, tình trạng xâm nhập mặn tại duyên hải miền Trung và đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng nặng nề; Các sự cố môi trường nghiêm trọng xảy ra ngày càng nhiều như động đất, hạn hán, cháy rừng, bão lụt,…

Hiện nay, trên cả nước có đến 60% các khu công nghiệp, doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tại các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Con người đang phải gánh chịu hậu quả của việc phát triển kinh tế nóng vội mà không quan tâm đến bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi, làm giảm tuổi thọ, gia tăng dịch bệnh; Tác động lớn đến môi trường sinh thái, nguy cơ làm tuyệt chủng một số loài động vật quý hiếm; Thiên tai và ô nhiễm môi trường làm giảm GDP của các quốc gia; Gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế như giảm khả năng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tác động đến các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp.

Việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của đất nước, nhân loại, là nhiệm vụ cấp bách không chỉ của mỗi quốc gia mà còn là nghĩa vụ cao cả của mỗi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

tm-img-alt
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet)

Giải pháp để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Thời gian qua, tại các nghị quyết, chiến lược của Đảng và Nhà nước luôn khẳng định doanh nghiệp giữ vai trò trọng tâm trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ tài nguyên và môi trường như: Các văn kiện Đại hội IX, X,XI,XII của Đảng; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị; Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia; Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2010-2020.

Theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành… Sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, các cơ chế chính sách đồng bộ, thiết thực nhằm tháo gỡ những vướng mắc về quy hoạch đất đai, biển và hải đảo, hủy bỏ các chi phí và thủ tục hành chính, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử để hỗ trợ, tạo động lực, khuyến khích doanh nghiệp tập trung phát triển kinh tế, sử dụng tiết kiệm hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ sự nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ trọng tâm và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường tự nhiên một cách bền vững, các doanh nghiệp doanh nhân cần áp dụng đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp doanh nhân cần phải tuân thủ, đi đầu trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật thì môi trường tự nhiên xanh, sạch mới được bảo vệ một cách tốt nhất.

Thứ hai, cộng đồng doanh nghiệp phải nhận thức đúng quyền và nghĩa vụ trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó làm thay đổi hành vi đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt phải luôn cải tiến, ứng dụng công nghệ xanh, sạch và các quy chuẩn về môi trường. Doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực am hiểu pháp luật về môi trường, có khả năng vận hành hệ thống xử lý, phân tích, đánh giá mức độ đảm bảo tiêu chuẩn môi trường của các sản phẩm và chất thải trong quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu có liên quan.

Thứ ba, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tiếp cận nguồn vốn, các chính sách ưu đãi của Nhà nước để nhập khẩu thiết bị, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; Đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ để xử lý các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để chủ động phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, chú trọng đầu tư công nghệ cho việc xử lý chất thải; Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện môi trường; Phát triển công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải, xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường; Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến; Nâng cao công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng doanh nghiệp; Xã hội hoá mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường.

Thứ năm, doanh nghiệp doanh nhân cần tăng cường hợp tác quan hệ quốc tế, tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong khuôn khổ các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết; Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong việc xây dựng và đề xuất các dự án bảo vệ môi trường; Tham gia các Hội nghị quốc tế về bảo vệ môi trường như: Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, Hội nghị về Môi trường và phát triển...

Có thể thấy, bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chính chúng ta. Vì vậy, mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường để cùng tồn tại và phát triển... Trong tiến trình hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ môi trường.

Từ chủ trương đó, Đảng và Chính phủ luôn coi trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế luôn gắn với việc bảo vệ môi trường xanh bền vững, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và hội nhập kinh tế toàn cầu.

TS. Trương Thanh Tùng

Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường