.
Rác thải tràn lan
Bà Yên năm nay đã 68 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen ngày nào cũng lúi húi chăm sóc vườn đào như mấy chục năm trước. Vườn đào của bà là một trong những vườn còn lại của làng Xuân La cũ trước cơn bão đô thị hóa đang từng ngày, từng giờ diễn ra. Bà Yên chia sẻ bằng giọng rất hồ hởi: “Đất này nhà nước phân cho mẹ bà. Trồng đào từ trước đấy nữa. Mẹ bà, đến bà rồi giờ là con dâu bà. 3 đời trồng đào đấy con ạ…”.
Rồi giọng bà trầm buồn hẳn xuống: “Trước đây đất làng đào rộng lắm, kéo suốt từ đây (bà chỉ hướng đường Võ Chí Công) xuống tận Nghĩa Đô. Giờ thì hẹp lại rồi, để đất xây nhà cao tầng”. Rồi bà lại chua chát nói thêm: “Nhưng mà đau nhất là mấy bãi rác này. Giết hết cây đào” – Cụ bà liếc mắt nhìn sang bãi rác ngay sát cạnh vườn nói.
Bãi rác cao chừng 5m, toàn bộ diện tích rộng cả ngàn mét vuông, ngổn ngang rác thải xây dựng, các loại rác thải sinh hoạt đã qua sử dụng, túi nilon, bát vỡ, chai lọ, hộp nhựa, thậm chí cả thức ăn thừa… Nhiều loại rác bị đốt chưa cháy hết vẫn nằm vương vãi khắp nơi.
Khi bà Yên đang nói chuyện thì một chiếc xe công nông 3 bánh chở vật liệu xây dựng tiến vào. Tiếng xe bành bạch, khói xả đen xì. Rồi người trên xe thản nhiên trút toàn bộ rác thải không biết được chở từ đâu đến. Toàn bộ là rác thải xây dựng, những sỉ vữa với đá, sỏi.
Bà Yên bức xúc nói: “Ngày nào cũng thế, cứ khoảng 20 phút lại có một xe công nông chở rác vào đổ, suốt từ sáng đến đêm. Họ mới đổ từ sau tết đến giờ, thế mà từ đất trống giờ thành to thế này đấy”.
Ngừng một lát bà cay đắng nói tiếp: “Thương nhất cây đào. Toàn đá sỉ với xi măng, mỗi lần mưa, nước từ bãi rác cao chảy thẳng vào vườn đào. Nước đấy độc lắm. Cây đào nào khỏe thì sống, yếu thì chết. Dân khổ lắm, mà khổ biết kêu ai”. Nói đoạn bà quay mặt bước đi, đôi vai gầy guộc run run. Bà lần theo mấy tấm ván gỗ bắc từ dưới vườn lên tận “đỉnh” bãi rác, sau đó mới đi ra được đường. Bãi rác chình ình, chắn luôn lối đi vào vườn đào. Rồi sực nhớ ra, bà quay lại bảo: “Bãi này còn nhỏ, trên ngõ trên còn mấy bác rác to hơn nhiều”.
Theo chỉ dẫn của bà Yên, đi theo ngõ 79 và ngõ 81 đường Võ Chí Công vào sâu phía bên trong, chúng tôi tá hỏa khi nhìn thấy những bãi rác đúng như bà Yên miêu tả “to gấp nhiều lần”. Cả một khoảng đất rộng kéo dài vài trăm mét toàn bộ là rác thải: gạch vỡ, sỉ vữa, thậm chí cả trụ bê tông cũng lẫn trong đống rác to như quả núi giữa lòng Thủ đô.
Theo ghi nhận của PV Kinh tế Môi trường, tại bãi tập kết rác ở ngõ 79 Võ Chí Công, có một số người còn dựng cả một lều tạm tránh nắng. Mỗi lần có xe tải vào thì sẽ có người ra hướng dẫn vị trí để đổ rác thải.
Lối vào bãi tập kết rác thải này rộng hơn đường ở ngõ 63, đủ cho xe tải lưu thông. Cứ khoảng 50-60 phút thì có một xe tải ì ạch vào đổ rác. Mỗi lần xe đi qua, lại cuốn theo bụi bay mù mịt. Và sau đó là tiếng ầm ầm khi cả thùng xe toàn đất, gạch trút bỏ xuống bãi đất. Lẫn trong sỉ vữa, có cả những rác nilon, bao tải đựng rác bốc mùi hôi thối.
Tại bãi rác thải ở ngõ 81 Võ Chí Công thậm chí còn có xe ủi, xe múc túc trực để dồn rác thành từng đống cao, lấy vị trí trống cho các xe sau đổ. Tất cả các xe tải chở rác và xe ủi đều có dán logo của một công ty là Công ty Phương Phú.
Một lao động thường xuyên nhặt nhạnh rác thải tại đây chia sẻ, bãi rác này đã tồn tại được hơn 2 năm, là do công ty Phương Phú “thầu” khu vực này nên mới tồn tại được lâu vậy.
Trước thực trạng đáng báo động về rác thải xây dựng bừa bãi, tràn lan trên địa bàn phường Xuân La, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến – Phó Chủ tịch UBND phường Xuân La. Tại buổi làm việc, ông Tiến đã có những nhìn nhận thẳng thắn về tình trạng rác thải tràn lan tại nhưng bãi thải “lậu” trên địa bàn phường và cho biết, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, không phải “ngày một ngày hai”. Đồng thời thừa nhận phía UBND phường đã gặp phải rất nhiều khó khăn để khắc phục triệt để vấn đề này.
Theo ông Tiến, vị trí các bãi tập kết rác đều nằm dọc theo đường Võ Chí Công, thuộc đất dự án Tây Hồ Tây (THT). Hiện tại, diện tích khu vực này vào khoảng 60ha và đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, trong đó có 50ha đã giải phóng xong và bàn giao cho phía chủ đầu tư là các công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, các đơn vị này chưa triển khai xây dựng.
Ông Tiến khẳng định, quan điểm của UBND phường Xuân La là kiên quyết chấm dứt tình trạng đổ thải trái phép. Thời gian vừa qua, phía UBND phường kết hợp với các cơ quan hữu quan triển khai những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên. Dựng hàng tôn chắn dọc đường Võ Chí Công, chỉ để 3 ngõ thông ra đường lớn phục vụ dân sinh. Tại các ngõ này đề nghị phía chủ đầu tư dự án Tây Hồ Tây lắp camera giám sát 24/24 và phối hợp trích xuất online trong các trường hợp cần thiết. Đồng thời cho đặt các cột trụ bê tông để ngăn xe có hành vi đổ thải. Cùng với đó là thực hiện thanh kiểm tra thường xuyên, lập biên bản xử phạt khi bắt quả tang hành vi đổ thải trái phép.
Tuy nhiên, trên thực tế thì tình trạng đổ thải trái phép trên địa bàn phường Xuân La vẫn đang diễn ra liên tục và không hề có dấu hiệu dừng lại. Ghi nhận của phóng viên tại những bãi rác này vào nhiều ngày trong tháng 4 và tháng 5 cho thấy vẫn có nhiều xe công nông, xe tải vận chuyển, đổ thải rác suốt ngày đêm.
Đặc biệt, ở điểm đổ thải ngõ 81, các xe có gắn logo Công ty Phương Phú ngang nhiên đổ thải liên tục vào nhiều thời điểm trong ngày. Theo ông Tiến, đã nhiều lần công ty Phương Phú bị lập biên bản và xử phạt. Tuy nhiên, phớt lờ các quyết định xử phạt, công ty này vẫn đang hằng ngày thực hiện hành vi đổ thải trái phép.
Ông Lê Tiến phủ nhận hoàn toàn thông tin này và nhấn mạnh: “Chúng ta phải hiểu và thông cảm, người dân luôn nhìn vào kết quả để đánh giá mà không nhìn vào quá trình thực hiện. Để giải quyết triệt để, không chỉ là sự cố gắng của UBND phường mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban ngành của quận và thành phố”.
Nhóm PV