Cổ đông “dài cổ” chờ cổ tức
Hoạt động tín dụng của Saigonbank có dấu hiệu “đi lùi” vào thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2021. Cả hoạt động cho vay và huy động vốn của Saigonbank đều giảm nhẹ so với đầu năm.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank là 15.283 tỉ đồng, tức tăng trưởng tín dụng âm 1,1%. Trong khi đó, chỉ tiêu bắt buộc mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho Saigonbank trong năm 2021 là tăng trưởng tín dụng 4,5%.
Không rõ, Saigonbank sẽ “xoay xở” thế nào với hoạt động tín dụng của mình trong nửa cuối năm nay, để đạt được chỉ tiêu trên?
Không chỉ cho vay hạn chế, huy động tiền gửi của khách hàng tại Saigonbank cũng giảm 2% so với đầu năm, đạt 18.790 tỉ đồng. Theo đó, thu nhập lãi thuần của Saigonbank giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 307,5 tỉ đồng.
Không hiệu quả trong hoạt động tín dụng, Saigonbank tận dụng đa dạng hóa các nguồn thu khác, như kinh doanh ngoại hối (tăng 1 tỉ đồng), các hoạt động dịch vụ (tăng 3 tỉ đồng).
Đáng chú ý, khoản thu nhập từ “hoạt động khác” của Saigonbank lại được ghi nhận ở mức tăng mạnh. Báo cáo tài chính quý 2/2021 của Saigonbank không diễn giải khoản thu nhập từ hoạt động khác này gồm những khoản thu nào, từ đâu...?
Chỉ biết rằng, lợi nhuận từ các khoản thu khác đã mang về cho Saigonbank 64,5 tỉ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh theo đó được nâng lên tới 159 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (hơn 31 tỉ đồng) đã ghìm giữ mức lãi trong nửa đầu năm 2021 của Saigonbank. Lợi nhuận trước và sau thuế gần như đi ngang so với 6 tháng năm 2020, lần lượt đạt 128 tỉ đồng và 102 tỉ đồng.
Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Saigonbank đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế rất khiêm tốn, chỉ 135 tỉ đồng (tăng 11,5% so với thực hiện năm 2020).
Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank đưa ra lý giải về kế hoạch tăng trưởng khiêm tốn trên: Tình hình chung của ngành ngân hàng là xu thế nợ xấu rất lớn. Do phải trích lập nợ xấu đầy đủ theo quy định, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận của Saigonbank.
Nhiều năm gần đây, Saigonbank liên tục đề xuất sẽ trả cổ tức cho cổ đông, nhưng không thực hiện được. Năm 2020, Saigonbank có đưa ra kế hoạch chia cổ tức ở mức 5%, bằng tiền mặt. Tuy nhiên, dù mức chia còn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng, cổ đông vẫn mòn mỏi chờ đợi. “Saigonbank giữ lại cổ tức để củng cố khả năng tài chính” – lãnh đạo ngân hàng này giải thích.
Cần lưu ý, theo Thông tư 32/2019, các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt khi chưa thanh toán được hết nợ xấu tại VAMC (trừ trường hợp ngân hàng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm, hoặc được NHNN chấp thuận…).
Đến cuối tháng 6/2021, Saigonbank còn 689 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC, trong đó ngân hàng đã trích lập dự phòng được 256 tỉ đồng.
“Nghèo” tiền nhưng “giàu” bất động sản
Có bề dày 34 năm hoạt động, nhưng Saigonbank - “lão làng” trong hệ thống ngân hàng TMCP Việt Nam vẫn không chịu "lớn". Saigonbank đang chấp nhận cương vị “chiếu dưới”, thuộc Top “đội sổ” với mức tăng trưởng ì ạch.
Vốn điều lệ của Saigonbank hiện là 3.080 tỉ đồng, chỉ nhỉnh hơn vốn pháp định đối với ngân hàng thương mại đúng 80 tỉ đồng.
Thực tế, lãnh đạo ngân hàng này cũng đã nhiều lần nghĩ tới chuyện tăng vốn. Từ tháng 4/2014, Saigonbank trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỉ đồng (tăng 920 tỉ đồng) theo phương thức phát hành riêng lẻ. Tháng 3/2016, NHNN cũng đã chấp thuận cho Saigonbank tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỉ đồng…
Thế nhưng, kế hoạch vẫn chỉ dừng lại ở kế hoạch. Cho đến nay, kế hoạch tăng vốn của Saigonbank vẫn chưa thể triển khai và thực thi, để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh.
Khó tăng vốn, tình hình kinh doanh càng “lẹt đẹt”, khả năng sinh lời thấp kém. Chỉ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỉ suất lợi nhuận trên thuế (ROE) hàng năm của Saigonbank luôn ở mức thấp, lần lượt loanh quanh dưới 0,5% và 4%. Trong khi đó, tỉ lệ ROA bình quân của các ngân hàng thường từ 1 - 3% và ROE thường lớn hơn 12%.
Đến nay, tỉ lệ nợ xấu của Saigonbank đã giảm khá nhiều so với thời điểm cách đây hơn 2 năm, khi nợ xấu của ngân hàng lên tới gần 890 tỉ đồng, chiếm 6,39% tổng dư nợ.
Nhờ áp dụng Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNN, nên nợ xấu gần như đã được ẩn giấu, đẩy về tương lai, nên tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Saigonbank trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ khoảng 1,43%, thấp hơn nhiều mức quy định 3% của NHNN.
Tuy nhiên, số vốn điều lệ “mỏng” như hiện nay và nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai vẫn là mối lo ngại đáng kể trong công cuộc tái cơ cấu của Saigonbank.
Mặc dù kinh doanh không khả quan và thiếu ổn định, nhưng Saigonbank vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Giới chuyên môn nhận định, đó là nhờ trong tay Saigonbank còn nắm rất nhiều những khối bất động sản ở vị trí vàng ở các Quận trung tâm TP.HCM.
Có thể kể đến: Khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, tòa nhà Trụ sở Saigonbank ở Quận 1, hay một số tòa nhà khác tại Quận 1, Quận 5, Quận 7 (TP.HCM)… và nhiều khối bất động sản ở Lào Cai, Đắc Lắk.
Hiện tại, Saigonbank có 4 cổ đông lớn gồm Văn phòng Thành ủy TP.HCM (nắm giữ 18,18% vốn), Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (sở hữu 16,64% vốn), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (giữ 14,08% vốn)... Ngân hàng chỉ có 3 cổ đông nước ngoài.