Điểm thu mua gốc sim rừng dọc quốc lộ 279, khu vực xã Búng Lao, huyện Mường Ảng. |
Sim rừng không chỉ là vị dược liệu quý, đối với môi trường cây sim còn là một trong những loài cây giữ đất rừng, chống xói mòn trên các khu vực triền đồi có độ dốc cao, thường xuyên bị mưa lũ.
Tại các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, vài năm trước đây, đâu đâu cũng bắt gặp những cánh rừng sim trải dài trên nhiều triền đồi. Tuy nhiên, giờ đây, chính những người dân địa phương cũng phải khó khăn lắm mới tìm được một vài chục gốc sim. Từ khi gốc sim được thương lái thu mua với giá cao, người dân đua nhau đi khai thác, khiến loài cây này ngày càng cạn kiệt.
Ông Lò Văn Sương, bản Nà Sáy, xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên cho biết: Đã 3 năm nay, vợ chồng tôi khai thác gốc sim để bán, thời gian đầu, ít người đào, một mình tôi có thể đào được cả tạ gốc sim mỗi ngày. Còn bây giờ, muốn đào được củ sim phải đi rất xa và vất vả, có khi cả ngày cũng chỉ được một vài chục cân. Hôm nay, tôi cùng vợ đào được 150kg gốc sim rừng, mang ra bán cho cơ sở thu mua của anh Trương Công Thuận, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, với giá 1.700 đồng/kg, 4 bao gốc sim đầy đặn bán được 255.000 đồng.
Ông Sương phấn khởi chia sẻ thêm: “Hôm nay là một ngày may mắn của vợ chồng tôi, vì việc tìm kiếm cây sim bây giờ rất khó”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, dọc tuyến quốc lộ 279, thuộc địa bàn xã Búng Lao, huyện Mường Ảng (Điện Biên) có hàng chục bãi lớn, nhỏ tập kết gốc sim khô.
Một số chủ cơ sở thu mua cho hay, họ được thương lái dưới xuôi đặt cọc trước tiền để thu gom hàng, rồi hàng tháng sẽ cho xe tải lớn lên vận chuyển về. Ai cũng chỉ nghe nói là thu mua để xuất bán sang Trung Quốc làm thuốc, tuy nhiên cụ thể để làm những gì thì không ai nắm rõ.
Anh Trương Công Thuận, chủ một cơ sở thu mua gốc sim tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: Theo đặt hàng của thương lái dưới xuôi, gia đình tôi đã thu mua được trên 25 tấn gốc sim. Hiện tại, gốc sim đã được phơi khô và được đóng bao chờ bán. Tuy nhiên, cả tháng nay vẫn không thấy họ đến mua, số tiền mua gốc Sim cũng đã hết trên 50 triệu đồng, rủi ro mà họ không mua thì số gốc sim này không biết để làm gì, chưa kể, nếu gốc sim bị thối mục do môi trường ẩm ướt thì sẽ không thể bán được.
Gốc sim rừng được thương lái đặt mua phải to, chỉ mua phần gốc và 10cm phần thân tính từ mặt đất trở lên. |
Theo đánh giá của Hội Đông y tỉnh Điện Biên, việc khai thác tận diệt sim rừng sẽ dẫn đến mất nguồn gen dược liệu và về lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với môi trường. Bên cạnh đó, việc người dân khai thác không đúng quy trình, sơ chế và bảo quản theo cách phơi trực tiếp dưới nền đất, hoặc ủ thành đống tại các khu vực mất vệ sinh là phản khoa học và có thể ảnh hưởng ngược đến tác dụng của dược liệu.
Theo ông Trần Xuân Ban, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn xử phạt hành vi khai thác sim rừng, do đó lực lượng kiểm lâm của huyện Tuần Giáo chủ yếu tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại khi khai thác sim rừng ồ ạt không chỉ gây mất cân bằng hệ sinh thái rừng mà còn mất nguồn gen dược liệu. Việc khai thác cạn kiệt sim rừng sẽ khiến cho bề mặt đất có nguy cơ bị xói mòn và nghiêm trọng hơn là nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét trong mùa mưa.
Giờ đây, người dân phải đi rất xa và khó khăn mới tìm được sim rừng. |
Không rõ giá trị, cũng không rõ lý do, song vì mưu sinh trước mắt, người dân đã bằng mọi cách tìm và khai thác sim theo kiểu tận diệt để bán. Nếu tỉnh Điện Biên không có biện pháp ngăn chặn thực trạng này thì sim rừng - nguồn gen dược liệu quý sẽ tiếp tục bị chảy máu, đứng trước nguy cơ xóa sổ. Và quan trọng hơn, người dân sẽ phải đối mặt trước những hậu quả khó lường từ việc khai thác tận diệt, phá hủy môi trường tự nhiên.