Cần thiết sửa đổi Luật Tài nguyên nước
Qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, kể từ khi Luật được ban hành đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những tồn tại, bất cập của Luật Tài nguyên nước năm 2012 như vấn đề về thể chế, khung pháp lý, trong 10 năm trở lại đây việc quản lý, bảo vệ tài nguyên nước còn tồn tại một số thách thức và những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Hiện nay, tài nguyên nước Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và cần thiết phải được bảo vệ, phục hồi để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh tài nguyên nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, việc phát triển kinh tế - xã hội với quy mô dân số nhanh (gần 100 triệu người) kéo theo nhu cầu sử dụng nước lớn; mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực trên lưu vực sông ngày càng lớn, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, thiếu cơ chế chính sách thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân.
Mặt khác, hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp, rừng đầu nguồn suy giảm và công tác bảo vệ nguồn sinh thuỷ chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Từ những bất cập trong thực tiễn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất những định hướng sửa đổi Luật Tài nguyên nước.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, sớm nhận thức được tầm quan trọng của an ninh nguồn nước đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, Việt Nam đã ban hành Chiến lược tài nguyên nước quốc gia và xây dựng đồng bộ hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật với Luật Tài nguyên nước năm 2012 và 63 văn bản quy định chi tiết để hướng dẫn thi hành, triển khai Luật.
Thực tế đòi hỏi cần phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu này, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì, sửa đổi Luật Tài nguyên nước trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Luật Tài nguyên nước trên một số nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu cơ bản.
Theo đó, thể chế hóa được quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, do Nhà nước thống nhất quản lý; lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, lưu vực.
Đồng thời, các quy định của Luật phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật chuyên ngành liên quan và phù hợp với các điều ước quốc tế về tài nguyên nước mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Ngoài ra, kế thừa các nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước. Những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì cần đề xuất ngay để quy định trong luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết nhưng là vấn đề mới, chưa có sự đồng thuận cao, có thể đề xuất thực hiện thí điểm.
Bên cạnh đó, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia hiện đại trên nền tảng công nghệ số; tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái; phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Đảm bảo tiến độ xây dựng Luật Tài nguyên nước
Theo Bộ TN&MT, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo hướng quy định các nội dung bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo chu trình của nước, tài nguyên nước là hữu hạn, phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành triển khai thực hiện.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân kiến nghị trong quá trình thực thi các quy định của pháp Luật Tài nguyên nước trong thời gian qua.
Đặc biệt, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ chú trọng đến việc bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị liên quan về công tác sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, trong thời gian qua, Cục đã tập trung xây dựng dự thảo Luật, tổ chức các Hội thảo với các chuyên gia quốc tế về các nội dung quy định trong Luật. Từ đó, nghiên cứu và bổ sung 1 số nội dung, quy định của Luật và tập trung vào 4 chính sách lớn, gồm: đảm bảo an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; tài chính về tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và các chính sách khác.
Theo dự thảo, chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước quy định các nội dung chính sau: Quy định nguyên tắc, các hoạt động để bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia; phân công, phân cấp trách nhiệm bảo đảm an ninh tài nguyên nước của các Bộ, ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân; quy định cụ thể các hoạt động bảo đảm an ninh tài nguyên nước đối với các trụ cột: an ninh nước sinh hoạt, an ninh nước cho các hoạt động sản xuất; quy định cụ thể các hoạt động và phân công trách nhiệm bảo đảm an ninh nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy định việc giám sát an ninh tài nguyên nước.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực, trí tuệ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Tờ trình, Dự thảo Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đồng thời, Cục tập trung rà soát, bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về tài nguyên nước đồng bộ, tổng hợp, thống nhất với các luật có liên quan.
Thống nhất sửa đổi Luật Tài nguyên nước
Ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2022, trong đó, thống nhất sửa đổi Luật Tài nguyên nước.
Theo đó, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết và mục tiêu sửa đổi Luật Tài nguyên nước để giải quyết các vướng mắc do quy định hiện hành về tài nguyên nước; cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chính sách quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện, thống nhất quản lý Nhà nước về tài nguyên nước; có kế hoạch truyền thông tốt để tạo sự đồng thuận.
Lan Anh