Năm 2020, những gã thích nhậu như tôi có lẽ nên bắt đầu biết dè chừng hơn trước khi đổ cồn vào miệng, pháp luật xử phạt từ vài triệu đến vài chục triệu nếu hơi thở có cồn và điều khiển xe.
Trước đây, thi thoảng sau trận túy lúy đêm trước, tổ nhậu chúng tôi bàng hoàng kể lại cho nhau không biết về bằng cách nào, thằng nào trả tiền, đỗ xe trong nhà mà khít khịt chỉ cách tường mấy xen-ti-mét…
Có lúc ban sáng tôi lơ mơ quờ quạng chai nước đầu giường đổ dốc vào họng khô khốc bởi cồn và thuốc lá, rồi ân hận lần thứ N rằng ngày hôm qua có vẻ hơi quá đà.
Căn phòng ban sớm lặng như thời chưa vợ, đồ chơi ngổn ngang dưới đất gợi nhớ tôi đã có hai thằng con và anh lớn đã đi học từ khi nào. Có lẽ vợ con ra khỏi nhà lúc tôi đang dang dở cơn mơ nhòe hình lẫn tiếng. Chai nước trắng không đủ năng lượng, nằm vật ra vớ tạm gói bánh ăn dở của con. Nhệu nhạo nhai và theo kinh nghiệm thì thường sau quãng 15 phút lượng đường trong bánh sẽ “đủ xăng” dựng cổ tôi dậy.
Trong vô số lần còn tỉnh táo trước khi ngồi xuống bàn nhậu. Đảo quanh, thấy tò mò những gương mặt đàn ông thích uống, họ là ai, họ có gì giống tôi không, họ có gia đình chưa...Tôi hiếm khi tìm được câu trả lời và đại khái chúng tôi chỉ có một điểm chung duy nhất là thích uống.
Dường như đàn ông đều hiểu bi kịch của mỗi gia đình đều có thể bắt đầu từ quán nhậu. Không khí ồn ã chan chứa tình “huynh đệ”, cái mùi chua hoi của bia rượu rơi vãi, mùi oi nồng khen khét của dầu xào nấu bay ra từ bếp là một thứ mê hoặc khó tả…
Tất nhiên trước khi đổ rượu vào miệng, đa số đàn ông đều tin tuyệt đối vào tửu lượng bản thân. Tàn cuộc vui, những số phận đã hữu ý được định đoạt bởi cồn và may rủi.
Nếu có thức giấc ban mai trong căn phòng như tôi và bần thần nhớ lại thì bỗng tặc lưỡi cảm ơn số phận. Tôi lại hoang mang sợ hãi có bao nhiêu gã giống tôi ở cái “trại uống” về đến nhà an lành.
Có năm mừng ngày nhà báo 21/6 với bạn bè, tôi uống từ giữa tháng 5, ít thì 1 tăng, nhiều thì từ trưa đến đêm, đều đặn. Lần say nhất về đến nhà, trước khi dắt được xe máy vào sân thì nó đổ kềnh 4-5 lần gì đó. Mẹ tôi nghe tiếng động giữa đêm rời giường ra giúp, lẳng lặng đưa tôi vào phòng khách ngủ. Trưa hôm sau tôi vẫn chưa bò dậy được, mẹ tôi nghỉ hưu được vài chục năm vẫn nấu cho ông con bát cháo bê tận giường. Bà nhìn thằng con trai trung niên với ánh mắt như có lần đăm chiêu bên tôi khi ốm ngày nhỏ.
“Con ạ, mẹ sinh con lành lặn đừng vì cốc rượu để rồi mẹ thấy con tàn tật. Đừng để Phúc Khang (tên con trai tôi) thành đứa trẻ mồ côi”.
Đắng ngắt và tột cùng của sám hối.
Bẵng đi mấy tháng, những cuộc vui chồng chéo quan hệ của sự cả nể dồn dập, tôi lại uống, thật khiên cưỡng và xấu hổ để nói rằng biết uống một cách có ý thức.
Có đận tàn cuộc nhậu một quán bình dân xô bồ, tôi thấy một bé gái thui thủi góc cửa quán mắt như đang chực khóc. Cháu đi cùng bố và ông ta quên cháu khi rời khỏi đây. Tôi bắt chuyện an ủi, chủ quán quen biết cả hai, đọc địa chỉ và nhờ đưa cháu về bằng taxi, trên đường bé gái trạc tuổi con trai cũng không quá căng thẳng, trò chuyện.
- Con rất yêu bố con, bố con chắc bận việc nên quên con thôi...
- Thế điều gì con thấy không vui với bố nhất, có phải vì hay đi uống rượu không?
- Dạ không...Con không vui vì bố ít khi ở nhà với con thôi.
Tôi bỗng ước rằng có người cha nào đó nghe được một tình yêu gia đình trong sáng đến vậy. Tôi dự định sẽ nhờ người hỏi con trai mình một câu hỏi tương tự.
Tôi nhớ mang máng một câu nói rằng :”Đôi khi những gã đàn ông thông tuệ cưỡng ép mình say xỉn để nhận ra rằng mình có thể ngu xuẩn như thế nào”.
Mỗi năm chúng ta tiêu thụ hàng tỷ lít bia rượu và song hành với nó là hàng vạn bi kịch dưới mỗi mái nhà. Và đám đông vẫn uống uống uống và uống.
Có những bài học nằm dưới đáy cốc vô cùng đắt giá.
Tan cơn mơ hoa là lời chua xót.
NB Hoàng Minh Trí
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả