Tăng cường năng lực dự báo thời tiết nguy hiểm ở khu vực Đông Nam Á

Khóa đào tạo trực tuyến tập trung vào đào tạo chuyên sâu về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong khu vực, hướng dẫn chi tiết cách khai thác các sản phẩm mô hình thời tiết cho các dự báo viên.
Các sông băng lớn nhất tại Greenland tan chảy nhanh hơn dự báoĐiện gió ngoài khơi: Bước nhảy vọt dự báo đến 2030Nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng cao hơn mức dự báo
tm-img-alt
Cán bộ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Hưởng ứng năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020, trong khuôn khổ dự án "Dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho khu vực Đông Nam Á", từ ngày 7-9/12, Tổng cục Khí tượng Thủy văn và Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chủ trì khóa đào tạo trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội (Việt Nam) với 7 điểm cầu quốc tế gồm Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines và 9 điểm cầu trong nước với Đài Khí tượng thủy văn khu vực.

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại đầu cầu Hà Nội nhấn mạnh khóa đào tạo tập trung vào đào tạo chuyên sâu về dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong khu vực, hướng dẫn chi tiết cách khai thác các sản phẩm mô hình thời tiết; trao đổi và đánh giá khả năng ứng dụng các bản tin cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm để tăng cường nghiệp vụ dự báo của các nước thành viên.

Khóa đào tạo tập trung đánh giá dự báo, khai thác sản phẩm dự báo tổ hợp, bài toán dự báo và cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên khu vực Đông Nam Á và vấn đề dự báo tác động do các chuyên gia WMO và Việt Nam thực hiện.

Giảng viên tại các nước dự khóa đào tạo khẳng định đây là khóa đào tạo quan trọng đối với dự báo viên của các nước tham gia dự án nhằm tăng cường năng lực, giúp các dự báo viên trong khu vực hiểu rõ hơn về đánh giá dự báo, ứng dụng sản phẩm dự báo tất định và tổ hợp, bản tin dự báo, cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên khu vực Đông Nam Á.

Đây là cơ hội chia sẻ các kinh nghiệm mang tính địa phương, đặc thù riêng biệt của từng nước, qua đó nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo ngắn hạn và dài hạn, phục vụ tốt việc tăng cường chất lượng cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các nước thành viên.

Dự án cũng chia sẻ kịp thời những thông tin dự báo, cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm, góp phần giảm thiểu các rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra cho các nước thành viên trên khu vực Đông Nam Á.

Dự án góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam trong khu vực ASEAN và thế giới, tích cực hưởng ứng năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020.

Theo TTXVN/Vietnam+