Tập đoàn FLC kiện báo Giáo dục Việt Nam: Chọn pháp lý rạch ròi hay lệ làng?

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 30/9, đại diện Tập đoàn FLC cho rằng báo Giáo dục Việt Nam đã đăng thông tin “doanh nghiệp chây ì nợ hàng trăm tỉ đồng” là sai sự thật nên yêu cầu báo xin lỗi công khai và bồi thường. Báo Giáo dục Việt Nam khẳng định nội dung bài báo là hoàn toàn đúng sự thật.
Những sự cố hy hữu của ngành Hàng không Việt NamTập đoàn FLC đề xuất cấp lại giấy phép kinh doanh cho Bamboo AirwaysBamboo Airways lỗ hơn 300 tỉ sau 3 tháng bay
tap doan flc kien bao giao duc viet nam chon phap ly rach roi hay le lang

Phiên toà xét xử vụ án Tập đoàn FLC khởi kiện báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng thông tin sai sự thật

Sáng nay (30/9), Toà án nhân dân quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) đã xét xử vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại giữa Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Tại phiên toà, có 7 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn FLC.

Trong bản án sơ thẩm cùng ngày, toà án đã cho rằng báo điện tử Giáo dục Việt Nam không tuân theo tôn chỉ mục đích, giấy phép; vi phạm Luật báo chí về bài viết có nội dung FLC chây ì trả nợ hàng trăm tỉ, nên bị đơn phải bồi thường 14,9 triệu đồng và gỡ bỏ các bài viết, xin lỗi công khai…

Mặc dù chủ toạ đã gợi hướng hoà giải vụ việc, nhưng đại diện FLC cho biết chỉ hoà giải khi báo nhận sai phạm, xin lỗi công khai và gỡ bỏ bài báo. Trong khi đại diện báo giáo dục Việt Nam chỉ thương lượng nếu FLC rút toàn bộ đơn kiện…

Đây có lẽ là một trong số ít sự vụ hiếm hoi mà doanh nghiệp kiện cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật và yêu cầu bồi thường thiệt hại, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo đơn khởi kiện của Tập đoàn FLC, ngày 1/10/2018, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng”, trong đó đề cập FLC chưa trả nợ cho Công ty CP tập đoàn xây dựng Hòa Bình là 213 tỉ đồng. Phía FLC cho biết, hai doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình đàm phán, trao đổi để thực hiện 2 hợp đồng kinh tế vì còn tồn tại một số bất đồng nên không thể nói là “doanh nghiệp chây ì nợ”.

Tập đoàn FLC cho rằng bài báo của Giáo dục Việt Nam đã nêu số nợ gốc mà FLC chây ì không trả là 213 tỉ đồng Việt Nam và “mặc dù Công ty Hòa Bình đã gửi tới 13 công văn yêu cầu Tập đoàn FLC giải quyết thanh toán công nợ nhưng đến nay FLC vẫn tìm các lý do chưa chịu trả tiền” là những thông tin sai sự thật. Do đó, doanh nghiệp này đã gửi đơn kiện lên toà án và cáo buộc báo điện tử Giáo dục Việt Nam có hành vi cố ý đưa thông tin không chính xác, thông tin mang tính chất tiêu cực, trực tiếp xâm phạm uy tín của FLC, khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về tập đoàn. Những bài viết này đã gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

tap doan flc kien bao giao duc viet nam chon phap ly rach roi hay le lang
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh việc FLC chưa trả nợ 213 tỉ đồng cho Công ty CP tập đoàn xây dựng Hòa Bình

Tập đoàn FLC khởi kiện yêu cầu báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải bồi 10 tháng lương tương ứng là 14 triệu đồng, phải gỡ bỏ ngay tất cả các bài viết không chính xác, công khai xin lỗi, trong đó, đăng tải ít nhất 3 bài báo xin lỗi công khai trên 3 tờ báo trung ương, trong 3 số báo liên tiếp.

Về phía bị đơn, ông Đào Ngọc Tước, Phó tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam khẳng định: “bài viết hoàn toàn đúng pháp luật, đúng tôn chỉ mục đích và báo Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều đó”. Ông Tước cho rằng việc thu thập, xử lý thông tin cho bài viết thuộc về quy trình nội bộ của báo, nên không trả lời phía nguyên đơn về những vấn đề này. Báo luôn khẳng định nội dung các bài viết là hoàn toàn đúng sự thật, dựa trên các tài liệu chính xác, đúng Luật Báo chí, Luật phòng chống tham nhũng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với báo chí đấu tranh chống lại tệ tham ô, tham nhũng, các biểu hiện sai trái, tiêu cực…

Đại diện Công ty Hòa Bình khẳng định việc FLC đang nợ họ hàng trăm tỉ đồng là sự thật. Số nợ của FLC tính đến cuối năm 2016 là 192 tỉ đồng, cộng thêm tiền lãi phát sinh khoảng 100 tỉ đồng. Công ty này đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu phía FLC trả nợ nhưng đối tác vẫn chưa chịu trả.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là cơ quan báo chí thường xuyên có những bài viết tuyên truyền giáo dục pháp luật, phản ánh những vi phạm pháp luật, tiêu cực, lợi ích nhóm của các doanh nghiệp, thu hút rất đông người đọc và tạo hiệu ứng lan toả mạnh mẽ.

Do đó, việc báo điện tử Giáo dục Việt Nam bị một tập đoàn tư nhân về lĩnh vực bất động sản có quy mô vốn 8.000 tỉ đồng khởi kiện, yêu cầu xin lỗi vì đăng tin sai và bồi thường thiệt hại khá khiêm tốn chỉ 14 triệu đồng” là chuyện “xưa nay hiếm”.

Thực tế lâu nay, báo chí Việt Nam phản ánh nhiều vụ việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các tranh chấp liên quan hợp đồng kinh tế, nợ nần với đối tác, trốn thuế… nhưng rất ít trường hợp doanh nghiệp khởi kiện cơ quan báo chí về thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng uy tín và thiệt hại cho doanh nghiệp. Thậm chí, phần đông doanh nghiệp lựa chọn giải pháp im lặng, hay có thoả thuận “ngầm” với cơ quan báo chí để ngừng khai thác sâu thông tin, gỡ các bài viết phản ánh sai phạm trong tình thế sợ xảy ra “khủng hoảng truyền thông”, gây mất uy tín trên thương trường và thiệt hại khó tính được.

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với việc Tập đoàn FLC khởi kiện cơ quan báo chí khi bị đăng thông tin không chính xác, tiêu cực và có xảy ra thiệt hại. Đây được đánh giá là hành xử văn minh và tạo ra tiền lệ để các doanh nghiệp xem xét, kiến nghị cơ quan chức năng đứng ra phân xử, làm sáng tỏ thông tin và bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm.

Ở chiều ngược lại, vụ kiện này sẽ khiến cho các cơ quan báo chí thận trọng hơn trong tác nghiệp, thu thập, củng cố chứng lý thông tin xác đáng về những vi phạm, tranh chấp thương mại của doanh nghiệp. Sự thật sẽ được làm sáng tỏ, phơi bày trên mặt báo một cách minh bạch, công tâm, thậm chí “bút chiến” không khoan nhượng với sai phạm!

Rõ ràng, vụ kiện của Tập đoàn FLC dù có kết quả như thế nào, thì mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí sẽ trở nên căng thẳng, khó hoà giải khi đã tự xây bức tường ngăn bằng pháp lý rạch ròi thay vì chọn “lệ làng” bấy lâu!

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường