Làn sóng Covid-19 lần thứ tư trở nên nghiêm trọng hơn với số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước kéo dài giãn cách xã hội lâu hơn dự tính. Những yếu tố này ít nhiều có ảnh hưởng tiêu cực tới vĩ mô và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, chỉ số VN-Index cũng bị tác động, dẫn tới sụt giảm mạnh 13,7% từ mức đỉnh trước khi phục hồi. Phiên giao dịch ngày 23/7/2021 ghi một dấu ấn buồn khi VN-index về mức 1.225,52 điểm, giảm 10 % so với cuối tháng 6. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng tới 14,9% tính từ đầu năm 2021.
Đến tuần cuối tháng 7, nhiều doanh nghiệp niêm yết “rục rịch” công bố báo cáo tài chính quý 2/2021. Thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đóng cửa ở 1.310 điểm, thu hẹp mức giảm xuống còn 7% so với tháng trước. Tỉ suất sinh lời trong tháng 6 của VN-Index vẫn ở khoảng thấp khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực.
Hầu hết các ngành trụ đỡ trước đó đều điều chỉnh trong tháng 7, như ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu. Ngược lại, ngành bán lẻ đi ngược chiều thị trường chung và có đóng góp đáng kể cho VN-Index ở chiều tăng. Nổi bật, ngành phần mềm và dịch vụ kéo dài đà tăng trong 12 tháng liên tiếp.
Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 8/2021, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường chứng khoán tháng 8 sẽ tích lũy đi lên. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm sự trở lại của khối ngoại và tâm lý thị trường có thể tốt hơn trong ngắn hạn nhờ việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine tại TP HCM.
Tháng 8 cũng là tháng đỉnh điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021. Tính đến nay, có hơn 700 công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 2/2021, tương đương gần 40% tổng số cổ phiếu và 85% tổng số vốn hóa toàn thị trường.
Ước tính, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 66% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang đi đúng hướng với dự phóng của các chuyên gia kinh tế về tăng trưởng lợi nhuận ròng 30% cho cả năm 2021. Chính mức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán trong tháng 8/2021.
Hơn nữa, dòng tiền vẫn ở lại trong thị trường. Khối lượng bán ròng tăng, nhưng không rút ròng. Số dư tiền gửi của nhà đầu tư ở các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý 2/2021 tăng tới 32.3% so với thời điểm cuối quý 1/2021.
Song, cũng cần phải lưu ý rằng, số ca nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao, dù đã có xu hướng giảm. Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, áp dụng Chỉ thị 16. Do đó, thị trường chứng khoản Việt Nam khó có thể thiết lập một đợt tăng giá mới mạnh mẽ trong tháng 8 này.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, VN-Index sẽ bị cản tại vùng 1.350 - 1.380 điểm và nhịp tăng có thể chững lại trong ngắn hạn.
Còn về dài hạn hơn, với kịch bản dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉ lệ tiêm vaccine bao phủ rộng trong toàn dân, nhà đầu tư có thể kỳ vọng Vn-Index đạt tới mức cao nhất tại vùng 1.450 - 1.500 điểm trong những tháng cuối năm 2021.
Còn nếu dịch bệnh kéo dài hết quý 3/2021, mức tăng trưởng GDP có thể dưới 5,5% thì mức đỉnh cũ (vùng 1.420 điểm) sẽ được thiết lập lại.