Thị trường chứng khoán chao đảo, nhiều lãnh đạo ra tay gom cổ phiếu "bèo bọt". |
Thị trường chứng khoán liên tục chìm trong sắc đỏ với những đợt bán tháo cổ phiếu bất chấp trong nhiều tuần qua, đã phần nào cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp Việt trong bão dịch Covid-19. Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào trạng thái đóng cửa, ngừng kinh doanh, co hẹp sản xuất, cố gắng cầm cự... Dự báo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay của nhiều doanh nghiệp sẽ là những con số kém đẹp, thậm chí là báo lỗ nặng. Do đó, những nhà đầu tư "nhạy bén" đã tìm mọi cách bán tháo cổ phiếu trước khi tin xấu xuất hiện, cũng là thời điểm bán tài sản để giữ tiền mặt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/3, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 21,27 điểm (-2,91%) xuống còn 725,94 điểm. Trên sàn HOSE có đến 313 mã giảm giá, nhiều mã giảm sàn và không có cầu mua. Như vậy, VN-Index đã "bốc hơi" tới 157 điểm kể từ đầu tháng 3 đến nay, cùng với đó là làn sóng báo tháo mọi loại cổ phiếu từ blue, midcap đến penny trong xu hướng giá giảm mạnh.
Không thể “cầm lòng” đứng nhìn cổ phiếu lao dốc, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã chi hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng để mua vào cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình. Mục đích của từng doanh nghiệp trong việc đăng ký mua cổ phiếu là khác nhau nhưng chủ yếu là nhằm "đỡ" giá cổ phiếu rơi quá sâu, bảo vệ quyền lợi của Công ty và cổ đông.
Mua cổ phiếu nhằm bình ổn tâm lý
Ngày 16/3, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã: STK) đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu STK để làm cổ phiếu quỹ trong 30 ngày kể từ khi được UBCK chấp thuận. Lý do được đưa ra là thị giá cổ phiếu STK đang ở mức thấp hơn giá trị thực nên công ty mua lại cổ phiếu nhằm bảo vệ quyền lợi cho công ty và cổ đông. Nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán hoặc soát xét tại thời điểm gần nhất.
Cùng với mục đích bình ổn giá cổ phiếu và tối đa hoá lợi ích cho cổ đông, Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã: GEX) vừa thông qua kế hoạch mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với khối lượng không quá 29 triệu cổ phiếu, tương đương với 5,94% vốn điều lệ.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon (mã: FCN) đã thông qua phương án mua lại 6 triệu cổ phiếu, tương đương 5% vốn làm cổ phiếu quỹ từ nguồn thặng dư vốn cổ phần hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tính đến ngày 31/12/2019, thặng dư vốn cổ phần ghi nhận 418 tỉ đồng, trong khi, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 276 tỉ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu GMD giảm sâu xuống mức 16.400 đồng/CP, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015 do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung khiến HĐQT Công ty Gemadept (mã: GMD) dự kiến vmua lại tối đa 25 triệu cổ phiếu, tương đương 8% vốn để làm cổ phiếu quỹ. Việc mua lại nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông và công ty, dự kiến số tiền chi mua cổ phiếu lên tới 410 tỉ đồng.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar - mã: SBT) giảm rất mạnh, các thành viên trong Ban lãnh đạo công ty liên tiếp đăng ký mua vào 4,5 triệu cổ phiếu SBT. Dự kiến các giao dịch sẽ được thực hiện từ 23/3 đến 21/4.
Ông Đặng Quốc Minh, con Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Thiếu niên - Tiền Phong (mã: NTP) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu qua phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trong thời gian từ ngày 18/3 đến 16/4. Thị giá cổ phiếu NTP hiện chỉ còn 27.200 đồng/CP, giảm mạnh nhất từ tháng 2/2016.
Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (UPCoM: CCA) đăng ký mua 600.000 cổ phiếu, tương đương 4% vốn qua phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 19/3 đến 15/4. Giá cổ phiếu CCA là 8.000 đồng/CP, giảm từ mức 15.800 đồng hồi đầu năm.
Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư MST (HNX: MST) Nguyễn Thanh Tuyên đăng ký mua 500.000 cổ phiếu qua phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 18/3 đến 16/4. Cổ phiếu MST giao dịch ở mức 4.800 đồng/CP, giảm 8% từ đầu năm.
Lãnh đạo Công ty Nhựa An Phát Xanh đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu AAA. |
Nhóm doanh nghiệp đăng ký mua cổ phiếu để đầu tư
Ngoài mục đích bình ổn giá cổ phiếu, tăng tỉ lệ sở hữu hay bảo đảm quyền lợi cho cổ đông và công ty, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua lại cổ phiếu với mục đích đầu tư.
Ngày 13/3, bà Trần Thị Thoản, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA) đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu AAA, nâng tỉ lệ sở hữu tại đây từ 0% lên mức 2,92%. Bà Thoản cho biết, mục đích thực hiện giao dịch để đầu tư tài chính dài hạn. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 18/3-16/4.
Ngày 16/3, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Nova (Novaland, HoSE: NVL) đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu NVL với mục đích đầu tư. Thời gian dự kiến diễn ra từ 20/03-18/04 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỉ lệ sở hữu của ông Nhơn tại Novaland sẽ tăng lên mức 21,25%, tương đương với hơn 206 triệu cổ phiếu NVL.
Mặc dù nhóm ngành thép ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhưng cổ phiếu HPG giảm tới 30% kể từ khi dịch bệnh xảy ra, hiện chỉ còn 19.150 đồng/CP. Nhưng so với thời điểm đầu năm 2018 (trước khi Hoà Phát phát hành cổ phiếu), giá HPG đã giảm rất sâu 50% so với đỉnh 37.000 đồng/CP. Do đó, ngày 12/3, ông Trần Vũ Minh, con trai của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Thép Hòa Phát (HoSE: HPG) đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HPG dù trước đó cá nhân này không sở hữu cổ phiếu này. Giao dịch dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian 17/3-16/4.
Ngày 17/3, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (HoSE: REE) cũng đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu REE trong thời gian từ 18/3 đến 17/4 nhằm tăng tỉ lệ sở hữu lên mức 12,16%, tương đương với hơn 37,7 triệu cổ phiếu REE.
Ngày 11/3, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu TPB để làm cổ phiếu quỹ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Ngân hàng cho biết mục đích mua lại lần này nhằm giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành, hỗ trợ giao dịch và gia tăng giá trị cổ đông. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 20/3-18/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trước động thái nhiều doanh nghiệp muốn mua vào cổ phiếu của chính mình để làm cổ phiếu quỹ nhằm hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cho cổ đông, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát đi thông điệp sẽ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn tất thủ tục chấp thuận trong 1 ngày thay vì 7 ngày như quy định.