Thanh tra Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và ‘đất vàng’ 69 Nguyễn Du

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra một số nội dung đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại số 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
'Chao đảo' vì Covid-19, nhiều tập đoàn nhà nước lỗ lớn và hụt thu 27.000 tỉ đồngThanh tra nhiều dự án 'ngốn' đất lớn có dấu hiệu sai phạmĐại gia Xuân Trường 'ăn chênh' hàng chục tỉ đồng ở Phú Thọ
Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã khiến nhiều lãnh đạo của PVN vướng vòng lao lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định thanh tra đối với dự án nhiệt điện Thái Bình 2 và khu đất vàng tại 69 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Đối với dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung vào việc chỉ định thầu; việc bổ sung dự án này vào danh mục các nguồn điện cấp bách theo quyết định của Thủ tướng tại thời điểm 2013; việc quyết định chủ trương và phê duyệt đầu tư; việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và điều chỉnh giá trị hợp đồng EPC.

Đối với khu đất tại số 69 Nguyễn Du, đoàn thanh tra sẽ tập trung vào việc chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Được biết, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nằm tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có công suất thiết kế 1.200 MW. Tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, giao cho Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam làm tổng thầu xây dựng. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017 và tổ máy 2 vào 2018. Nhưng đến nay, 2 tổ máy vẫn chưa thể hoàn thành. Hơn nữa, dự án này đã 2 lần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, đến nay lên tới 42.000 tỉ đồng.

Trong quá trình làm, tổng thầu PVC đã có nhiều sai phạm hình sự khiến cả dàn lãnh đạo bị khởi tố, bắt giam, đáng chú ý có cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN, Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT giai đoạn 2007 - 2013....

Theo cáo trạng vụ án, tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu nhưng tháng 6/2010, ông Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN, đã ký Nghị quyết đồng ý về chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, theo hình thức chỉ định thầu.

Sau đó, PVN đã nhanh chóng tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng để thi công dự án dù đến tháng 10/2011, PVN và PVC mới hoàn tất thủ tục pháp lý, ký lại hợp đồng EPC.

Do đó, ông Đinh La Thăng chỉ định thầu và yêu cầu PVPower ký hợp đồng với PVC vi phạm các quy định pháp luật; chỉ đạo cán bộ dưới quyền tạm ứng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại PVC sử dụng không đúng mục đích gây thiệt hại cho Nhà nước. Bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại rất lớn về mặt kinh tế cũng như xã hội.

Do dự án thiếu nguồn vốn, nhiều lãnh đạo PVC và PVN bị khởi tố, bắt giam nên dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã bị đình trệ thi công, nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Suốt nhiều năm qua, dự án trong tình trạng "đắp chiếu", không có bóng dáng công nhân thi công, nhiều máy móc và thiết bị được che bạt...

Hồi tháng 7/2019, 4 Ủy viên Trung ương gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh và Bí thư Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến thăm và làm việc liên quan đến dự án này. Báo cáo về dự án ở thời điểm đó cho thấy, nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020 và đã nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32.000 tỉ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%…

Nhiều lãnh đạo PVC và PVN bị khởi tố, bắt giam nên dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn chưa hoàn thành.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn PVN, cho hay dự án gặp vô vàn khó khăn. Nếu không có tiền, nhiệt điện Thái Bình 2 sẽ phải đóng cửa. Nhiều lãnh đạo, cán bộ của Tổng thầu PVC có nhiều sai bị khởi tố, bị bắt, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều hành của PVN, đặc biệt là không ai dám quyết công việc vì sợ trách nhiệm. Về nguyên tắc, khi dự án liên quan đến các vấn đề khởi tố, ngay lập tức các ngân hàng sẽ đóng tín dụng, dự án không thể vay được nữa.

Dù vậy, Nhiệt điện Thái Bình 2 được đánh giá là dự án rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cân đối cung cầu điện. Việc đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thi công hoàn thiện, vận hành khai thác sẽ là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước.

Trong đợt thanh tra PVC, Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ những vi phạm trong quá trình chuyển nhượng khu đất 69 Nguyễn Du đã từng được Thanh tra Chính phủ đề cập hồi năm 2012 trong kết luận thanh tra đối với PVN. Khu đất này có diện tích gần 570m2, từng là biệt thự cũ, năm 2008 Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TP.Hà Nội bán chỉ định để xây dựng trụ sở làm việc. Sau đó, UBND TP. Hà Nội đã thu hồi và giao cho PVC cải tạo làm trụ sở trong thời hạn 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.

Tuy nhiên, PVC đã lập dự án với tên gọi “Toà nhà văn phòng 69 Nguyễn Du”, có diện tích đất 596,7 m2, diện tích xây dựng công trình 406,2 m2, quy mô 8 tầng. Dự án có tổng diện tích sàn (cả tầng hầm) là 4.361,5 m2 để làm trụ sở PVC và cho thuê văn phòng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 130 tỉ đồng, trong đó 45% vốn tự có, còn lại vay tín dụng thương mại. Về hiệu quả đầu tư, PVC cho biết dự án sẽ mang lại lợi nhuận bình quân 10,9 tỉ đồng/năm. Thời gian hoàn vốn là 9 năm. Thời gian thi công xây lắp toàn bộ công trình từ 15 - 18 tháng, dự kiến khởi công đầu năm 2009.

Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc PVC đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng căn biệt thự này cho Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành vào ngày 31/12/2009, với giá 95,9 tỉ đồng.

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết