Hút vốn lớn
Ông NeilMcGregor - Tổng Giám đốc SavillS Việt Nam nhận định, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thị trường bán lẻ, khu công nghiệp và nhà ở. Trong năm 2019, tăng trưởng vốn đăng ký vào Việt Nam tăng mạnh, cùng với sự chuyển dịch tích cực của dòng vốn FDI.
“Rất nhiều NĐT quốc tế đánh giá cao tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định trong thời gian dài đã tạo ra một tầng lớp trung lưu đông đảo. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng ổn định, chính sách đầu tư ngày càng cởi mở, giá nhà tương đối thấp ở Việt Nam đang rất hấp dẫn giới đầu tư quốc tế” - ông Neil McGregor khẳng định.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, BĐS là lĩnh vực được đánh giá sẽ đem lại lợi nhuận từ mức khá trở lên cho NĐT. Ngoài ra, với dân số hiện xấp xỉ gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường rộng lớn cho BĐS. Đặc biệt, tỉ lệ người trẻ, người dân thuộc tầng lớp trung lưu có xu hướng tăng nhanh, dự báo từ khoảng hơn 35% dân số hiện nay sẽ tăng khoảng 50% vào năm 2030. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho thị trường BĐS.
Thị trường BĐS Việt Nam vẫn là “thỏi nam châm” thu hút vốn đầu tư ngoại. |
“Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, những quốc gia nào có GDP bình quân đầu người chưa đến 7.000 USD thì có tiềm năng phát triển BĐS rất mạnh. Việt Nam hiện có mức GDP/người khoảng gần 2.600 USD nên vẫn còn dư địa để thu hút các NĐT nước ngoài đầu tư vào BĐS”, ông Châu thông tin.
Thị trường đa dạng hơn
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu BĐS đa dạng cho nhiều mục đích khác nhau như cho thuê lại, thế chấp và thừa kế. Điều này áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài như: quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty. Đây là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở, nhất là tại phân khúc cao cấp, với mức đầu tư nước ngoài ước tính lên đến 10%.
Các chuyên gia BĐS đánh giá, việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào thị trường BĐS trong nước sẽ tạo nên một làn gió mới cho thị trường, giúp thị trường sôi động và đa dạng hơn. Cùng với những thay đổi về chính sách thu hút đầu tư, sự phục hồi của nền kinh tế, chi phí BĐS tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao, làn sóng đầu tư nước ngoài sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới.
Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, việc thu hút vốn ngoại vào BĐS vẫn còn có những quan ngại, cần sự kiểm soát quản lý chặt chẽ. Đó là tình trạng nhiều dự án trì trệ, chậm triển khai, thậm chí, “đắp chiếu” nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên đất đai rất lớn, làm xấu bộ mặt đô thị, mất cơ hội đầu tư của những NĐT chân chính.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, để dòng vốn ngoại đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quá trình thu hút FDI cần thực hiện phù hợp với các quy hoạch chiến lược mà Việt Nam đã đặt ra, nhất là định hướng thu hút FDI chất lượng cao.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận, trong 10 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đạt 29,11 tỉ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới là 12,83 tỉ USD. Hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ 2 trong tổng vốn đăng ký cấp mới, với tỉ trọng 10,2% (2,98 tỉ USD), chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. |
Đặc biệt, trước khi cấp phép đầu tư, các cơ quan chức năng cần chú trọng việc chọn lọc, thẩm định tính khả thi của dự án, đánh giá năng lực tài chính, uy tín của NĐT; đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, trì trệ để đấu giá tìm NĐT tiềm năng, phù hợp hơn.
Đối với các NĐT nước ngoài, khi lựa chọn đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, NĐT cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ xu hướng phát triển của thị trường, khả năng cung - cầu của từng phân khúc… để lựa chọn phân khúc đầu tư phù hợp, hiệu quả, như vậy mới đảm bảo thành công khi đầu tư tại thị trường Việt Nam.