Thời tiết cực đoan hoành hành khắp các châu lục

Hai châu lục Âu và Á đang trải qua những thái cực khác nhau: Nắng nóng và lũ lụt.
Chủ động phòng tránh những hiện tượng thời tiết cực đoanMùa bão khốc liệt ‘đe doạ’ nước Mỹ trong năm 2020Cảnh báo hàng triệu người sẽ phải đi tị nạn do biến đổi khí hậu

Châu Âu đang trải qua những ngày khô hạn và nắng nóng nhất với nhiệt độ tại nhiều quốc gia lên đến hơn 40 độ C. Ở chiều ngược lại, nhiều quốc gia tại châu Á đang trải qua những ngày tồi tệ vì mưa lũ.

San Sebastian, vùng khu vực bờ biển phía Bắc Tây Ban Nha đã ghi nhận nhiệt độ 42 độ C, mức nhiệt cao nhất kể từ khi chính quyền địa phương bắt đầu thống kê nhiệt độ vào năm 1955. Thành phố Palma, vùng Địa Trung Hải thuộc Tây Ban Nha cũng lập kỷ lục khi nhiệt độ lên 40,6 độ C vào hôm qua.

Theo Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha, ban đêm nhiệt độ tại nhiều khu vực của nước này cũng không xuống dưới mức 20 độ C. Nắng nóng là nguyên nhân xảy ra nhiều vụ cháy rừng trong những ngày qua tại Tây Ban Nha.

thoi tiet cuc doan hoanh hanh khap cac chau luc
Vùng nắng nóng ở châu Âu. (Ảnh: Daily Express)

Lực lượng cứu hỏa và phản ứng khẩn cấp thuộc quân đội Tây Ban Nha vật lộn dưới cái nóng như thiêu như đốt để khoanh vùng và dập tắt một đám cháy rừng ở Madrid.

Giám đốc Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Madrid, ông Carlos Novillo cho biết: "Cháy rừng vẫn đang diễn ra nhưng đội cứu hỏa về cơ bản đêm qua đã thiết lập được vành đai xung quanh khu vực cháy. Hôm nay, các nhân viên cứu hỏa sẽ cố gắng ngăn chặn đám cháy không lan thêm ra. Nhiều cư dân sống gần khu vực cháy rừng đã sớm được sơ tán khẩn cấp nên không có thiệt hại về người".

Ngoài Tây Ban Nha, nhiều nước châu Âu khác như Italy, Pháp... cũng đang đối mặt với tình trạng nắng nóng kéo dài, với nhiệt độ có lúc lên tới 40 độ C, độ ẩm thấp và gió mạnh, gây cháy rừng nghiêm trọng.

Theo dữ liệu của Cơ quan Dự báo thời tiết quốc gia Italia, do ảnh hưởng của đợt không khí nóng đến từ châu Phi, 6 tháng cuối năm nay là giai đoạn nóng nhất kể từ năm 1800, với nhiệt độ cao hơn 1,1 độ C so với mức trung bình tại nước này. Nắng nóng kết hợp với khí hậu khô là nguyên nhân gây ra trung bình hơn hai đám cháy mỗi ngày trên khắp Italia kể từ đầu mùa Hè.

Trong khi đó, giới chức Pháp cảnh báo mùa cháy rừng tại nước này năm nay sẽ nghiêm trọng hơn vì tình trạng khô hạn và nhiệt độ cao bất thường. Mùa cháy rừng năm ngoái, khoảng 15.000 hécta rừng trên toàn nước Pháp đã bị thiêu rụi.

Trái ngược với tình hình nắng nóng tại châu Âu, nhiều nước tại khu vực châu Á đang phải hứng chịu tình trạng lũ lụt tồi tệ.

Tính đến hôm nay, đã có 12 người đã chết và 14 người khác mất tích sau những trận mưa lớn liên tiếp đổ xuống miền trung Hàn Quốc. Tổng cộng hơn 1.000 người đã phải di dời khỏi chỗ ở để lánh nạn. Nhiều cơ sở hạ tầng công cộng như đường xá và cầu cống, đường sắt, hồ trữ nước cũng đã bị phá hủy. Ngay tại thủ đô Seoul, phần lớn các tuyến đường ven sông đã bị giới hạn qua lại do mực nước dâng cao. Tổng thống Moon Jae-in sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào chiều nay để bàn luận về phương án đối phó với những thiệt hại do thiên tai.

Sáng nay, bão Hagupit đã đổ bộ vào khu vực ven biển tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Do ảnh hưởng của bão Hagupit, khu vực Đông Nam tỉnh Chiết Giang, phía đông tỉnh Phúc Kiến xuất hiện mưa lớn với lượng mưa có thể lên tới 200mm. Dự báo trong ngày hôm nay, bão Hagupit sẽ tiếp tục gây ra mưa lớn ở các tỉnh duyên hải miền đông Trung Quốc.

Giới chức Thái Lan hôm qua cho biết lũ quét đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà tại miền Bắc nước này, sau khi cơn bão nhiệt đới Sinlaku trút mưa lớn xuống 18 tỉnh Thái Lan vào cuối tuần qua. Quân đội đã phải sử dụng thuyền nhỏ để giải cứu dân làng và phân phát hàng viện trợ tại tỉnh Loei, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hôm nay, nhiều người dân Thái Lan bắt đầu dọn dẹp đống đổ nát sau khi cơn bão đi qua.

Một người dân Thái Lan cho biết: "Lũ đến nhanh, gia đình tôi không kịp mang theo bất kỳ đồ đạc nào. Hiện chúng tôi được chính quyền địa phương trợ giúp gạo và một số vật tư thiết yếu khác".

Một số nước tại châu Á như Ấn Độ, Sudan, Nepal, và Bangladesh cũng đang bị lũ lụt hoành hành. Theo thống kê, lũ lụt kể từ cuối tháng 6 tại Bangladesh đã khiến ít nhất 135 người thiệt mạng. Tại Ấn Độ, lũ lụt cũng khiến 120 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Vũ Anh Tuấn
Theo VOV