Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý phản ánh của báo chí về việc cần có bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá và cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Xây dựng công trình xanh không làm tăng chi phí đầu tưCông trình xanh cần được xem là định hướng phát triển các dự án bất động sảnPhát triển công trình xanh ở Việt Nam: Nhiều rào cản

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 10509/VPCP-CN gửi Bộ Xây dựng về vấn đề cần thiết có bộ chứng chỉ công trình xanh. 

Theo Văn phòng Chính phủ, công trình xanh là xu hướng của thời đại, đã có trên 100 quốc gia thành lập Hội đồng công trình xanh, xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí công trình xanh. Tuy nhiên, Việt Nam đến nay vẫn chưa có một bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá công trình, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công trình xanh. Các nhà đầu tư đang tự xoay xở với công trình xanh dựa trên các bộ chứng chỉ quốc tế.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xử lý. 

tm-img-alt
Các nhà đầu tư đang tự xoay xở với công trình xanh dựa trên các bộ chứng chỉ quốc tế. (Ảnh minh họa)

Về vấn đề công trình xanh, thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng đã có loạt bài phản ánh về tình trạng nhiều dự án bất động sản được chủ đầu tư "gắn mác" công trình xanh để bán hàng.

Sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, Bộ Xây dựng đã giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thống kê, rà soát, hướng đến cập nhật thông tin về các dự án đã đạt chứng nhận xanh lên website của Bộ để khách hàng, người tiêu dùng, người mua nhà biết đâu là dự án xanh thật và đây là các dự án "khoác áo xanh".

Đồng thời, các cơ quan của Bộ Xây dựng đang trao đổi, kiến nghị có chế tài xử phạt nghiêm các chủ đầu tư có hành vi lợi dụng mác công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng trên thị trường.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững - KTS.ThS Trần Thành Vũ cho biết, Việt Nam đang sử dụng 5 bộ công cụ chính để đánh giá công trình xanh, gồm công cụ CTX do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam biên soạn (năm 2014); Công cụ EDGE - Hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả do Tổ chức Tài chính quốc tế khai sinh, một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (được dùng nhiều nhất với chung cư);

Công cụ LOTUS - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ sáng lập; Công cụ LEED - Hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình xanh Mỹ nghiên cứu và áp dụng cho cả các công trình trên toàn thế giới; Công cụ Green Mark - Hệ thống đánh giá công trình xanh do BCA – Singapore (Building and Construction Authority) đưa ra. Bên cạnh đó, ít được biết đến hơn còn có hệ thống HQE, của Pháp.

Theo KTS.ThS Trần Thành Vũ, việc tồn tại nhiều bộ công cụ là tự do thị trường, thúc đẩy sự cạnh tranh để phát triển. Vấn đề là Nhà nước rất cần kiểm soát được việc tiêu thụ năng lượng của công trình một cách chặt chẽ, khoa học, siết chặt và nâng cấp theo thời gian. Bắt buộc phải thực hiện bằng các biện pháp thưởng, phạt, khuyến khích cụ thể, vì nó liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia.

15 năm qua, Việt Nam vẫn chưa đưa được Quy chuẩn năng lượng công trình vào thực tế thực hành thiết kế (gọi tắt cho Quy chuẩn 09, các phiên bản 2005, 2013, 2017), gọi là Quy chuẩn bắt buộc, nhưng được sử dụng như tiêu chuẩn tham khảo tự nguyện.

Trên thị trường, không ít chủ đầu tư sử dụng “mác” công trình xanh để thương mại hóa sản phẩm, gắn nhãn xanh để bán hàng với tốt hơn, nâng cao hình ảnh thương hiệu, khách hàng đôi khi bỏ tiền mua căn hộ trong công trình xanh nhưng thực chất không xanh.

Vương Liễu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường