Tia cực tím - 'sát thủ' của sức khỏe mùa nắng nóng

Theo các chuyên gia, tia UV (tia cực tím) là một loại tia có hại đối với cơ thể, có trong bức xạ của ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất khi tiếp xúc bề mặt da và mắt, làm giảm sức đề kháng của cơ thể khi tiếp xúc thời gian dài.
Mùa nắng nóng, làm thế nào để kiểm soát hóa đơn tiền điện?Chỉ số tia cực tím cả ba miền đều ở mức nguy cơ gây hại rất caoNghệ An: 'Oằn mình' dưới nắng nóng kỷ lục

Tác hại khôn lường tới sức khỏe

Theo Bác sỹ Đinh Hữu Nghị, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu trung ương, tia UV được chia làm ba loại nhưng có hai loại ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó UVA gây lão hóa da, ung thư da, còn UVB gây sạm da, tăng sắc tố cho da.

Tia UV gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc DNA và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.

"Tiếp xúc thời gian dài ngoài nắng mà không có cách chống nắng dễ gây đỏ da, bỏng nắng, tăng sắc tố da. Nếu tiếp xúc lâu dài, tia UVA có thể tác động vào nhân tế bào và gây ung thư tế bào đáy, tế bào vẩy… của da. Những người làm công việc ngoài trời, có thời gian dài tiếp xúc với ánh nắng có nguy cơ ung thư da cao gấp 1,3 lần so với bình thường. Số người mắc ung thư da cũng có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây", Bác sỹ Đinh Hữu Nghị nhận định.

Ngoài ra người lao động ngoài trời tiếp xúc nhiều với tia cực tím; người lao động tiếp xúc với hóa chất độc hại; người có các bệnh lý tiền ung thư da; người suy giảm miễn dịch (HIV, sau ghép tạng, dùng thuốc ức chế miễn dịch ở các bệnh nhân mắc bệnh tự miễn); người mắc các hội chứng di truyền như hội chứng Gardner, hội chứng Torres, hội chứng Bowen… là những trường hợp có nguy cơ ung thư da cao trong cộng đồng.

tm-img-alt
Những người làm công việc ngoài trời sẽ có nguy cơ ung thư da cao gấp 1,3 lần so với bình thường. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Y tế, ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp nhất với tỉ lệ trung bình 2,9-4,5 ca/100.000 dân. Trung bình, tỉ lệ mới mắc ung thư da ở Việt Nam đối với nam là 3,2/100.000 dân và đối với nữ là 3,1/100.000 dân.

Ung thư da là căn bệnh nguy hiểm, với nhiều dạng và sự tiến triển của bệnh cũng rất phức tạp, khó lường. Bệnh nhân ung thư da thường được chỉ định phương pháp thông thường nhất là phẫu thuật cắt bỏ tổn thương. 

Ngoài ra, tia UV cũng là nguyên nhân gây bỏng võng mạc. Triệu chứng của bệnh là nóng rát mi mắt, cảm thấy cộm, ngứa, khô mắt và chớp mắt liên tục, phỏng rộp các tế bào loại mô. Hiện tượng này xảy ra nhiều có thể dẫn đến tình trạng mờ, lòa, nặng hơn sẽ bị mù.

Tổn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Ở mi mắt, ánh nắng có thể gây nên một số loại u mi, đặc biệt là ung thư mi như ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố ác tính.

Bảo vệ sức khỏe trước tia cực tím

Bác sỹ Hoàng Văn Tâm - Phó trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, để hạn chế tác hại của tia cực tím nên chọn áo chống nắng vải nylon hoặc polyester. Chất liệu nylon hoặc polyester sẽ chống nắng tốt hơn áo cotton hoặc tơ tằm. Thực tế nhiều người chọn áo chống nắng cotton dài tay cho thoáng nhưng khả năng chống nắng của vải thấp.

Nếu mặc áo bó không tạo ra khoảng cách giữa tia nắng và làn da, dễ gây cháy nắng. Việc bôi kem chống nắng nên chọn loại có quang phổ rộng, chỉ số chống lại tia UVB (SPF 30 trở lên) và UVA (PA+++) và bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da…

Tia cực tím chiếm đến 94% nguyên nhân gây lão hóa mắt. Việc chủ động bảo vệ và chăm sóc mắt đúng cách trước tiết trời nắng nóng được xem là giải pháp tối ưu giúp hạn chế nguy cơ khiến đôi mắt “sớm già”.

“Để bảo vệ mắt trước ánh sáng mặt trời, nên sử dụng mũ rộng vành và kính râm thường xuyên bởi tia tử ngoại có quanh năm chứ không phải chỉ có vào mùa hè. Bảo vệ mắt ngay cả khi trời râm hoặc nhiều mây, bởi  tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù, nguy cơ gây hại cao cho đôi mắt”, TS.BS Hoàng Cương cho hay.

Bên cạnh đó, sử dụng kính râm chuyên dụng ngăn tia UV (ngăn được cả tia UVA và UVB, kính gắn mác UV400 hoặc 100% UV Protection), nên mua loại kính có gọng to và sát phía bên để ngăn được những tia sáng đến từ phía bên. Những người mang kính tiếp xúc cũng phải chọn kính tiếp xúc chống tia UV nếu muốn ra ngoài nắng.

Đồng thời, người dân cần cảnh giác với tia UV đậm độ cao. Ở một số khung giờ nhất định trong ngày, bức xạ UV ở mức cao nhất và gây ra nhiều tác hại đối với da; hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10 giờ -16 giờ vì đây là thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất.

Một số sự thật về tia UV bạn cần biết:

- Người trẻ tuổi dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với tia UV: Ước tính có khoảng 50% người bị phơi nhiễm trọn đời với tia cực tím trước 18 tuổi.

- Khoảng thời gian ánh nắng mặt trời chứa nhiều tia UV nhất trong ngày là từ 10 giờ tới 16 giờ.

- Tác hại của tia UV đối với mắt thường được tích lũy theo thời gian, trong nhiều trường hợp, những tác hại một khi đã bộc phát sẽ để lại di chứng vĩnh viễn.

- Kính râm không giúp ngăn chặn 100% tác hại của tia UV đối với mắt: Các nghiên cứu khẳng định, có khoảng 45% tia UV vẫn có thể lọt vào mắt kể cả khi đã đeo kính có chức năng chống tia cực tím.

- Việt Nam là đất nước nhiệt đới, tất cả các mùa đều có tia UV, nhưng nhiều nhất vào mùa hè.

- Ngay cả trong những ngày thời tiết âm u hoặc trời nhiều mây, tia UV vẫn có khả năng tác động đến sức khỏe.

- Tia UV gây hại cho da kể cả khi ngồi trong ô tô: Với lớp kính xe ô tô có khả năng làm giảm cường độ bức xạ thì cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn tia UV. Tia UV vẫn tác động đến da nếu bạn ngồi trong ô tô mà không có biện pháp bảo vệ da.

Lan Anh