Tiêu dùng xanh thời 4.0

Tiêu dùng xanh ở Việt Nam không chỉ là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng mà thông qua hoạt động kinh tế còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Dù hiện nay, chúng ta đã có những bước tiến bộ về tiêu dùng xanh song quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động của người tiêu dùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan.
COP 25: Công nghệ xanh và kinh tế xanh là tương lai của thế giớiNền kinh tế xanh - Cơ hội cần nắm bắtCây Giáng Hương - Niềm kỳ vọng mang lại nét đặc trưng về khu kinh tế xanh

Từ nhận thức tới hành động

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam hiện nay, tiêu dùng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Mặc dù nhiều nội dung liên quan đến mua sắm xanh, mua sắm bền vững, thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn… đã được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản pháp quy; song chúng ta lại chưa có quy định riêng biệt nào về tiêu dùng xanh.

Theo rà soát, Bộ TN&MT đã phê duyệt cho tiêu chí nhãn xanh Việt Nam từ năm 2010 cho 3 nhóm sản phẩm: bột giặt, bóng đèn huỳnh quang và bao bì nhựa tự phân hủy sinh học dùng gói hàng hóa khi mua sắm. Năm 2013, Bộ cũng xây dựng và ban hành tiêu chí chứng nhận nhãn xanh Việt Nam cho sản phẩm ắc quy, các sản phẩm máy tính xách tay, máy in, mực in. Năm 2014 là nhóm sản phẩm máy tính để bàn, mực in cho máy photocopy, pin tiêu chuẩn. Năm 2015, áp dụng tiêu chí dán nhãn xanh Việt Nam cho nhóm sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, tivi…

tieu dung xanh thoi 40
Nhiều cửa hàng cà phê huyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa. (Ảnh minh họa)

Bộ TN&MT đánh giá, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp rất cao và lãng phí.

Trong khi đó, với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm qua, các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R và là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và các văn bản pháp quy khác đều có những quy định khuyến khích áp dụng sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Trong đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu: “Nâng cao ý thức BVMT, gắn nhiệm vụ, mục tiêu BVMT với phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”.

Chiến lược Phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020, trong các định hướng kinh tế cần ưu tiên trong giai đoạn 2011 - 2020 cũng nêu rõ, để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, cần phải đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Áp dụng những chính sách điều chỉnh những hành vi tiêu dùng không hợp lý.

tieu dung xanh thoi 40
Nhiều siêu thị trên cả nước sử dụng lá chuối gói rau củ. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, để tạo đà cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, “Phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn 2050”, trong đó, có 2 nhiệm vụ liên quan đến tiêu dùng xanh là xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng.

Theo đó, xanh hóa sản xuất, thực hiện một chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh…; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi. Chiến lược Tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phát triển thị trường tiêu dùng xanh

Xu hướng tiêu dùng xanh kéo theo sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Home Food, Hano Farm,… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Nhiều cửa hàng cà phê, trà sữa... chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nilon…

Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng chung tay, nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nilon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…

Có thể thấy, các hoạt động tuyên truyền, thúc đẩy tiêu dùng xanh của chúng ta thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R. Tuy nhiên, theo đánh giá, đây mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp và chưa thường xuyên; vì vậy, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam. Bởi vậy, để tiêu dùng xanh không dừng lại chỉ là một phong trào ngắn ngủi cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Trước hết, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về tiêu dùng xanh sao cho đồng bộ, nhất quán. Trong đó, đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh; phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh.

Đồng thời, phát triển và nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh; có chính sách hỗ trợ giá đối với các sản phẩm, dịch vụ xanh nhằm đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm này.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của tiêu dùng xanh đối với môi trường sống và sức khỏe của con người; qua đó thay đổi nhận thức và hành động của toàn xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, có chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.

Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ phải mất nhiều thời gian, nhưng, với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và sự cam kết chung tay của các doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại 4.0 hiện nay. Qua đó, góp phần tích cực trong cuộc chiến nói không với rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Theo Tuyết Chinh/TNMT