TP.HCM đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

"Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn. Với tư cách là lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã lắng nghe và muốn đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng trong thực tế đã có sự trì trệ trong thực thi pháp luật ở các sở, ngành", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Hà Nội loại Decotech khỏi dự án cải tạo tập thể Nam Thành CôngChủ đầu tư dự án Valencia Riverside và Sim City 'thi nhau' sai phạmDự án 'chết lâm sàng' suốt 10 năm bất ngờ được Bình Thuận duyệt quy hoạch 1/500
TP.HCM coi lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc của các doanh nghiệp BĐS là nhiệm vụ quan trọng.

Trong Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe ý kiến với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố ngày 22/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố có khoảng 15.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, xét về cơ cấu có 9.000 doanh nghiệp lớn, trong đó 30% doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp lớn (có vốn đăng ký trên 100 tỉ đồng) lại chiếm 70% số vốn đăng ký kinh doanh.Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Riêng ngành Xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%, tỉ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 nhóm ngành dịch vụ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, năm 2019, TP.HCM chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được phê duyệt đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án được chấp thuận, giảm 64 dự án so với năm 2018. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.

Nguyên nhân do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở đất đai chưa phù hợp, các dự án đang bị rà soát thủ tục pháp lý, chưa liên thông, chưa đồng bộ, đã gây khó khăn nhiều hơn cho doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến thất thu cho doanh nghiệp, giảm nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, tiếp tục khiến doanh nghiệp thất thu và làm giảm nguồn thu ngân sách.

"Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn. Với tư cách là lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã lắng nghe và muốn đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng trong thực tế đã có sự trì trệ trong thực thi pháp luật ở các sở, ngành", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Chủ tịch TP. HCM khẳng định thành phố luôn đồng hành và hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng tốt đẹp, xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ, bất động sản của cả nước. Định hướng của thành phố là tập trung phát triển doanh nghiệp đầu ngành thành những tập đoàn lớn để nâng cao tính cạnh tranh, đòi hỏi thành phố cần có cơ chế, chính sách đặc biệt đối với doanh nghiệp lớn.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở ngành tập trung trả lời rõ ràng những phản ánh thắc mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai dự án. Những vấn đề chưa thể trả lời trong hôm nay, thì đề nghị trong vòng 7 ngày làm việc phải có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan thành lập Tổ công tác họp hàng tuần và đến 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc của các dự án kéo dài của 19 doanh nghiệp, cũng như một số dự án sau khi Thanh tra đã có kết luận cho phép tiếp tục triển khai dự án.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho hay thành phố sẽ thảo luận thống nhất và thông báo cho doanh nghiệp biết cơ quan làm đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ảnh các vướng mắc, khó khăn của DN.

Đồng thời, cứ 3 tháng lãnh đạo thành phố sẽ cùng làm việc với các doanh nghiệp bất động sản một lần. Trong quá trình giải quyết nếu có khó khăn, vướng mắc thì các sở, ngành báo cáo UBND thành phố xem xét.

Theo Nhật My/ Tin Nhanh Online