TP.HCM hướng tới mục tiêu trở thành đô thị carbon thấp

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn.
Xu hướng dịch chuyển nơi ở tới các đô thị vệ tinh tại Hà NộiCần nhiều giải pháp đột phá hơn khi xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minhXây dựng các đô thị có khả năng chống chịu thông minh trước mưa bãoThúc đẩy tiến trình xây dựng đô thị xanh

Mục tiêu đưa TP.HCM thành đô thị carbon thấp

TP.HCM đặt mục tiêu kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khi hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp, phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế.

Trong kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đề ra 56 chương trình, dự án để tập trung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH.

TP.HCM hướng tới mục tiêu trở thành đô thị carbon thấp - Ảnh 1
TP.HCM đặt mục tiêu kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khi hậu (BĐKH) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế carbon thấp. (Ảnh minh họa)

TP.HCM sẽ lồng ghép các hành động ưu tiên thích ứng và giảm thiểu vào quy hoạch ngành và thành phố, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, hợp tác quốc tế và kêu gọi hỗ trợ, đầu tư.

TP.HCM sẽ chủ động thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế để đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, hợp tác đầu tư và triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH. Đồng thời, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý thuận lợi để tiếp nhận các nguồn lực cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với tác động của BĐKH cho các khu vực và cộng đồng dễ bị tổn thương.

UBND TP.HCM đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan về sự phát triển toàn diện, bền vững của TP.HCM ngay từ đầu năm 2022. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững của thành phố, trong đó có nhóm phát thải carbon thấp.

Phát biểu tại Hội thảo “Chương trình Đô thị carbon thấp của TP.HCM: Từ khái niệm đến hành động” do Sở TN&MT TP.HCM và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức mới đây, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, mục tiêu của các Nhóm phát triển carbon thấp là xây dựng một kế hoạch đưa TP.HCM thành đô thị carbon thấp. Trong đó, kế hoạch bao gồm các khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của thành phố trong lĩnh vực ưu tiên, trong đó có danh mục Các dự án phát triển tiềm năng giữa TP.HCM và nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Dựa trên kết quả các dự án hợp tác, TP.HCM sẽ đề xuất hướng tháo gỡ vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành Trung ương, tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới và các đối tác khác để triển khai kế hoạch Thành phố carbon thấp.

Thành phố triển khai giám sát giảm phát thải khí nhà kính

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở TN&MT hướng dẫn, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh liên quan đến khí thải carbon trên địa bàn; triển khai hệ thống giám sát các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính cho các nhóm ngành. Đồng thời, triển khai kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở thuộc các danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 140 cơ sở lớn cần thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong 4 lĩnh vực công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường. Một số doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách trên gồm: Công ty TNHH Điện tử Samsung, Tổng Công ty Việt Thắng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm thương mại Saigon Centre, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước…

Thời gian qua, Sở TN&MT đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, giảm phát thải và tạo nguồn lực tài chính trung hạn từ tiết kiệm chi phí không chỉ là nhiệm vụ của bất kỳ đơn vị riêng lẻ nào. Nhóm phát thải carbon thấp đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích và phương pháp tiếp cận nhằm ưu tiên các hoạt động có tác động cao nhất với chi phí hiệu quả nhất có thể.

Tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của TP.HCM là trên 58 triệu tấn C02, trong đó sản xuất công nghiệp 30%, giao thông vận tải 20% (riêng xe máy chiếm trên 80%).

Bùi Hằng