Quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với đô thị hóa
Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, tình trạng ngập lụt do mưa lớn tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, trong những ngày qua rất đáng quan tâm và cần có các giải pháp bền vững trong thời gian tới.
Chiều tối 1/6, Hà Nội chuyển mưa dông kèm sấm chớp kéo dài nhiều giờ đã gây ngập lụt trên nhiều tuyến phố. Theo số liệu từ Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, từ 17 giờ 50 đến 19 giờ 50, lượng mưa ở các quận dao động từ 30-70mm. Địa bàn các quận, huyện xuất hiện mưa cục bộ, lượng mưa dao động từ 30-40mm; đặc biệt tại khu vực xã Hải Bối, huyện Đông Anh, lượng mưa lên tới 193mm.
Trước đó, ngày 29/5, lượng mưa đo được từ khoảng 13 giờ đến 19 giờ trên địa bàn Hà Nội tại trạm Láng là 140,4 mm, Hoài Đức 53 mm, Thanh Trì 119,2 mm… Đặc biệt, lượng mưa ghi nhận tại trạm Láng (quận Đống Đa), lượng mưa từ 14 đến 16 giờ là 138 mm. Theo số liệu, lượng mưa tích lũy trong 2 giờ ngày 18/6/1986 tại trạm khí tượng này đạt 132,5 mm. Như vậy, trận mưa chiều 29/5 là một trong những kỷ lục mưa giông được thiết lập ở Hà Nội trong vòng 36 năm qua.
Những cơn mưa xảy ra liên tiếp trong những ngày gần đây và dự báo kéo dài trong vài ngày tới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, đặc biệt có nguy cơ dẫn đến mất an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông trong điều kiện đường ngập sâu, cản trở tầm nhìn. Mưa kèm sấm chớp đặc biệt gây khó khăn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực có nhiều cây lớn.
PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đánh giá 3 nguyên do “Hà Nội cứ mưa lớn là ngập” là do quy hoạch hệ thống thoát nước chậm so với đô thị hóa. Mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa; đồng thời, việc các hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp cũng là nguyên nhân gây ngập lụt.
Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa,… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Do đó, muốn thoát được nước phải có độ chênh mặt nước để có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác theo nguyên tắc bình thông nhau.
Trong khi đó, xây dựng lấp dòng chảy tự nhiên, một số đường ống võng xuống giống yên ngựa, gây tích nước trong hệ thống ống thoát. Độ chênh mặt nước giữa hồ chứa và dòng kênh chính thoát ra ngoài không có, sẽ gây ngập lụt khi mưa lớn.
So với các địa phương trong cả nước, TP. Hà Nội được phân bổ nguồn kinh phí đáng kể cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống tiêu thoát nước. Hiện tại, hệ thống tiêu thoát nước của Thành phố vẫn đang trong quá trình nâng cấp thông qua nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, với tổng mức đầu tư lên tới 550 triệu USD.
Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành vào năm 2004 và giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai từ năm 2006 tới năm 2016. Dự án từng được kỳ vọng giúp Hà Nội có thể “trụ vững” qua các cơn mưa lớn với lưu lượng lên tới 310mm/2 ngày. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề phát sinh trong giải phóng mặt bằng, đội vốn đã khiến giai đoạn 2 của dự án chậm tiến độ và không đáp ứng về khả năng thoát nước của Thủ đô, trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong giai đoạn này.
Cần xây dựng hệ thống cảnh báo ngập lụt
Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Hà Nội ngập lụt là do hệ thống thoát nước nội đô lạc hậu, cơ sở hạ tầng cũ, xuống cấp, khả năng tiêu thoát nước hạn chế, lâu ngày lại bị bồi lắng.
Trước đây, khu vực huyện Thanh Trì và và hệ thống ao hồ tại các quận nội đô có vai trò là nơi chứa và tiêu thoát nước cho Thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, phần lớn chúng đã bị san lấp hoặc thu hẹp khiến mất chức năng điều hòa thoát nước. Cùng với đó, việc cải tạo các dòng sông cũng làm giảm khả năng tiêu nước, như sông Tô Lịch và các hồ được cải tạo đều kè mái nghiêng và bê tông hóa làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước.
Bàn về các giải pháp, ĐBQH Trần Hồng Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, TP. Hà Nội cần có dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu trong lịch sử và hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa lớn.
Đồng thời, cần nghiên cứu một cách kỹ càng, khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan. Bài toán ứng phó như khi đã ngập rồi, phải sử dụng các máy bơm để thoát nước, đó gần như là điều mang tính trù bị bắt buộc.
"Chúng ta phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh hay nói cách khác là thiết kế được một cách thông minh các đô thị để đảm bảo được tính bền vững," đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Hồng Hà, mỗi nơi mang đặc trưng về địa hình khác nhau. Vì vậy, khi thiết kế các đô thị, việc quan trọng nhất là phải dự báo được tình cực đoan của khí hậu thời tiết, hệ thống phải dự báo được số lượng dân cư sử dụng, từ đó giúp cho khâu thiết kế cơ sở hạ tầng như công trình ngầm, đường giao thông ngầm, đường giao thông bề mặt, bố trí sắp xếp khu dân cư có tính toán đến độ cao để làm sao khu vực đó tự thoát được nước.
Cùng quan điểm, ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dự báo, đặc biệt là dự báo mưa và sét, xây dựng các bản tin dự báo dễ hiểu, cập nhật liên tục qua nhiều phương tiện truyền thông hơn nữa.
Đối với các đô thị, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp mềm (dự báo mưa, dự báo ngập lụt), việc đầu tư hạ tầng cơ sở vẫn phải tiến hành. Song song với việc quy hoạch chính xác, kiểm soát xây dựng để đảm bảo năng lực hoạt động của hệ thống thoát nước, việc đầu tư xây dựng mới cho hệ thống thoát nước vẫn là việc cần làm mang tính chiến lược lâu dài.
Xu thế hiện tại để giải quyết vấn đề thoát nước không chỉ tập trung vào việc làm sao để vận chuyển nước ra khỏi lưu vực một cách nhanh nhất, mà đã dịch chuyển sang việc làm sao để tránh ngập và tận dụng tối đa lượng nước mưa hay còn gọi là thoát nước bền vững.
Các công trình như hồ điều hòa, thảm bê tông thấm nước, hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa tại nguồn, mái nhà xanh, tăng cường thảm thực vật trong đô thị, không gian chứa nước ngầm cần được nghiên cứu, tính toán và thiết kế để vừa có tác dụng thu gom nước mưa và dòng chảy mặt, vừa trữ lại để sử dụng vào các mục đích khác nhau, đảm bảo tính bền vững cho môi trường.
Lan Anh