TP.HCM tìm hướng xử lý dự án lấn sông Sài Gòn

Định hướng quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để phát triển thành phố bền vững phải gắn liền với sông Sài Gòn, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm 2 bên bờ sông.
Phó Thủ tướng: Điều chỉnh quy hoạch cần chú ý đến không gian xanhQuy hoạch vùng ĐBSCL thành trung tâm kinh tế, phát triển các đô thịRà soát toàn bộ quy hoạch làm rõ sai phạm điện mặt trời BCG Phù MỹQuy hoạch TP.HCM thành trung tâm tài chính châu Á - Thái Bình DươngCần quy hoạch cảng biển hợp lý đi đôi với bảo vệ môi trường

Tránh tư duy nhiệm kỳ

Tại buổi toạ đàm "Đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP.HCM" do Sở QH&KT TP.HCM tổ chức ngày 15/4, kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường nói rằng, TP.HCM quy hoạch phải gắn với sông Sài Gòn vì đó là tài sản vô giá của thành phố.

Hai bên bờ sông Sài Gòn có dải đất rộng lớn rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước… Trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của người dân TPHCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nên việc hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ chính là biện pháp ngăn ngừa từ xa, loại trừ cơ hội xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, sông Sài Gòn là nơi đẹp nhất dành cho cộng đồng khi không gian trung tâm đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng. Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận.

TP.HCM muốn phát triển bền vững phải 'dẹp loạn' lấn sông Sài Gòn - Ảnh 1
Bờ sông Sài Gòn đang bị bóp nghẹt bởi những công trình xây dựng.

Đầu năm 2022, Sở QH&KT TP.HCM cho biết, đơn vị phấn đấu hoàn thành đề án quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ dọc sông Sài Gòn trong năm 2022 để làm sao có được con đường chạy dọc sông Sài Gòn từ quận 1 đến huyện Củ Chi nhằm khai thác và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. Hiện công tác trùng tu công viên ven sông Sài Gòn, đoạn chảy qua khu trung tâm thành phố, đang được triển khai để tạo bộ mặt cảnh quan đô thị trung tâm.

Từ đó, ông Trường đề nghị rà soát quỹ đất dọc dòng sông này và cần một chủ trương đúng đắn, thích hợp nhất để phát triển bền vững.

Theo ông Trường, cần xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn; Dừng ngay và không cấp phép thêm các dự án ven sông, lấn mặt tiền sông. Cùng với đó, xem lại 83 dự án đầu tư nhà ở, khu phức hợp nhà ở thương mại, dịch vụ, khu công viên vui chơi giải trí với diện tích thống kê chưa đầy đủ đã hơn 454 ha.

"Để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, phải có tiêu chí rõ ràng theo một hệ thống xuyên suốt. Cần một quy hoạch tổng thể trọn vẹn trên cơ sở định hướng phát triển bền vững và có đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo lộ trình đề ra, tránh tư duy nhiệm kỳ", ông Tường nên quan điểm.

TP.HCM từng điểm mặt công trình lấn sông Sài Gòn

Nhiều năm trước , phần lớn khu vực bờ sông Sài Gòn đoạn qua đường Nguyễn Văn Hưởng (TP. Thủ Đức) bị các công trình, dự án, nhà hàng lấn chiếm, người dân còn rất ít khả năng tiếp cận mặt sông, nhiều con hẻm dẫn ra bờ sông bị dựng barie và có người trông giữ.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Phong, khi còn là Chủ tịch UBND TP.HCM, từng nhấn mạnh, địa phương không chấp nhận những tuyến đường thò ra, thụt vào, ngắt quãng. Sông Sài Gòn nằm giữa đô thị là một tài sản quý cho người dân, tình trạng lấn chiếm đã khiến dòng sông mất đi giá trị.

Sau hàng loạt bài báo phản ánh, chính quyền phường Thảo Điền đã chỉ đạo tháo dỡ các barie chặn lối ra sông và kiên quyết xử lý các công trình lấn chiếm bờ sông Sài Gòn. Lãnh đạo UBND phường Thảo Điền lúc đó cũng cho biết, đơn vị đã có văn bản chính thức tới các chủ đầu tư dự án về việc mở cửa, không chặn lối đi của người dân tại các con hẻm.

Đến cuối năm 2019, Sở Xây dựng TP.HCM từng ban hành kế hoạch kiểm tra việc quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ sông Sài Gòn của 101 dự án đầu tư xây dựng, nhà ở nằm dọc sông Sài Gòn đi qua các quận 1, 2, 4, 7, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn.

Việc triển khai kế hoạch kiểm tra là để xác minh rõ về tính chất pháp lý của các dự án và dự vào tình hình các dự án được xây dựng vào thời gian nào. Ngoài ra, việc kiểm tra để có những đánh giá, kết luận đúng với từng công trình một về mức độ ảnh hưởng đến tình trạng sạt lỡ của bờ sông Sài Gòn.

Đến tháng 3/2022, trao đổi với báo chí, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đơn vị đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại 9 quận, huyện thời điểm đó. Sau khi rà soát, đơn vị đã ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó, 40 dự án hình thành trước khi quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên.

"Do ra đời trước khi quyết định 150 có hiệu lực, nhiều dự án đã được giao đất, cấp phép sát mép sông. Ngoài ra, một số dự án do sự bồi lắng của sông nên công trình bị đưa ra sát sông", Sở Xây dựng TP.HCM thông tin.

Hiện tại, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND TP.HCM về kết quả của cuộc kiểm tra để đưa ra biện pháp. Sở cũng kiến nghị thành phố giao cho đơn vị này chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, xác định lại phạm vi, diện tích vi phạm để đưa ra hướng xử lý.

Phương Trang