Từ 30/3 dừng hoạt động xe trên 9 chỗ đi đến Hà Nội và TP.HCM phòng chống Covid-19

Nhằm ngăn ngừa dịch Covid-19 lây lan, Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan tạm dừng hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng trên 9 chỗ đi, đến Hà Nội và TP.HCM từ ngày 30/3 đến 15/4.
Tổng thống Mỹ ký dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỉ USDDoanh nghiệp nhỏ và vừa khó trụ vững nếu đại dịch Covid-19 kéo dàiNgân hàng Nhà nước giảm mạnh lãi suất nhằm ứng phó suy thoái kinh tế
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan tạm dừng hoạt động xe du lịch, xe hợp đồng trên 9 chỗ đi, đến Hà Nội và TP.HCM để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Theo công văn hoả tốc tốc số 2917/BGTVT-VT ngày 29/3/2020, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Sở giao thông vận tải tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe hợp đồng trên 9 chỗ và xe du lịch trên 9 chỗ có điểm đi, đến Hà Nội và TP.HCM kể từ 0h ngày 30/3 đến hết 15/4.

Trường hợp đặc biệt, các Sở giao thông vận tải kịp thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để được xem xét, giải quyết.

Đối với các tuyến cố định đi từ Hà Nội và ngược lại, TP.HCM và ngược lại, xe chỉ vận chuyển hành khách tối đa 2 chuyến/ngày đối với các tuyến dưới 100km; đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người.

Đồng thời Bộ yêu cầu xe chỉ vận chuyển hành khách tối đa 1 chuyến/ngày đối với các tuyến còn lại; đảm bảo số lượng hành khách trên 1 chuyến xe không quá số ghế trên xe và không quá 20 người.

Đối với các chuyến xe không vận chuyển hành khách thì không bị hạn chế khai thác.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp vận tải đường sắt tạm dừng hoạt động toàn bộ tàu khách địa phương từ 0h ngày 30/3 đến hết 15/4. Đối với tuyến đường sắt Hà Nội-TP.HCM chỉ được khai thác tối đa 2 đôi tàu khách/ngày gồm 2 chuyến Hà Nội đi TP.HCM và 2 chuyến ngược lại.

Trường hợp đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh nghiệp vận tải đường sắt kịp thời báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam để được xem xét, giải quyết. Không hạn chế khai thác đối với các chuyến tàu không vận chuyển hành khách.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương giám sát việc thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc của hành khách trước khi lên tàu bay, yêu cầu các hãng hàng không đảm bảo hành khách trước khi lên tàu phải phải thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc.

Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam được giao nhiệm vụ chỉ đạo các cảng vụ hàng hải phối hợp với các địa phương giảm tối đa các chuyến tàu chở khách từ bờ ra đảo và có biện pháp quản lý chặt chẽ thuyền viên, hành khách đi tàu.

Trong công văn, Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh: Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố để có chỉ đạo các đơn vị vận tải hạn chế tối đa việc vận chuyển hành khách trong địa phương đi, đến Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác đối với các loại hình vận tải hành khách; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận tải hàng hóa.

Nhật My
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường