Tuần lễ Nước Việt Nam mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành tài nguyên nước

Trong bối cảnh ngành nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, “Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022” hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của ngành nước thời gian tới.
Phục hồi nguồn tài nguyên nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt NamSửa đổi Luật Tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững KT-XHQuản lý tài nguyên nước bền vững từ quy hoạch các lưu vực sôngTham vấn sử dụng bền vững tài nguyên nước ĐBSCL

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thay đổi chế độ dòng chảy; phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ…

Thời gian qua, Nhà nước đã bố trí gần 16.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa. Tuy vậy, vẫn còn đến 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần xử lý cấp bách.

Trong bối cảnh ngành nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức bởi quá trình đô thị hóa tăng nhanh và sự ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…, “Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022” tổ chức từ ngày 9-11/11 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của ngành nước thời gian tới.

Tuần lễ Nước Việt Nam mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành tài nguyên nước - Ảnh 1
“Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022” được tổ chức từ ngày 9-11/11.

Theo TS Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ngành nước của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và đòi hỏi cần phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế.

Trong khi đó, một số nghị định về thoát nước, xử lý nước thải và các văn bản dưới Luật được ban hành từ 8-15 năm trước, đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều vấn đề quan trọng của ngành nước chịu sự quản lý chồng chéo của các luật khác như tài nguyên nước, thủy lợi, đầu tư,…

Số liệu của Bộ Xây dựng chỉ rõ, hiện các nhà máy nước sạch trên toàn quốc cung cấp hơn 11,2 triệu m3/ngày đêm, song chỉ có khoảng 15% lượng nước thải được xử lý và đó là thách thức lớn mà ngành nước đang phải đối mặt, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo đó, Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch đã được ban hành trên 15 năm, Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải và các văn bản dưới Luật đến nay không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong khi đó, nhiều vấn đề quan trọng của ngành Nước lại chịu sự quản lý chồng chéo của các luật khác như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư,… để tạo một hành lang pháp lý giúp ngành Nước phát triển ổn định và bền vững, Chính phủ đã đưa dự án xây dựng Luật Cấp, Thoát nước vào Chương trình hành động nhiệm kỳ 2021 - 2026.

“Vì vậy, những trao đổi tại một diễn đàn mở như "Tuần lễ Nước Việt Nam - Vietnam Water Week 2022" là cơ hội rất tốt để thúc đẩy việc tạo ra hành lang pháp lý phục vụ phát triển bền vững ngành nước trong tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc chia sẻ những kinh nghiệm quản lý, giới thiệu những công nghệ mới trong tuần lễ cũng là một phần quan trọng để các doanh nghiệp ngành nước của Việt Nam có cơ hội nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng, đưa ngành nước tiến tiệm cận với các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế về dịch vụ cung cấp nước sạch.

Tại Tuần lễ Nước Việt Nam 2022, bên cạnh việc thảo luận những vấn đề về chính sách cho phát triển bền vững ngành nước, còn diễn ra một số hoạt động trưng bày, giới thiệu công nghệ mới của nhiều công ty trong và ngoài nước; những cách tiếp cận và giải pháp mới trong quản lý bền vững tài nguyên nước.

Mới đây, Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập được tổ chức bởi Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) và Hội Thủy lợi Việt Nam.

Theo GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, tài nguyên nước của nước ta phân bố không đều trong năm và giữa các năm, giữa các vùng miền khác nhau của đất nước, hầu hết các loại hình thiên tai đều liên quan đến nước.

Do đó, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai không thể tách rời nhau, cũng như không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với việc lập các chương trình phát triển, điều hòa lại nguồn nước mặt, nước ngầm và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (lũ, lụt, úng, hạn, sạt lở đất, xâm nhập mặn…) và khai thác, sử dụng nước để cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và các nhu cầu cho dân sinh ở cả nông thôn và thành thị.

Lan Anh