Tuyệt chiêu hồi sinh “rác thải tuyên truyền” của bà mẹ bỉm sữa

Việc sử dụng ồ ạt các loại sản phẩm dùng một lần từ nhựa, nilon… trong đời sống hằng ngày là tác nhân chính khiến cho tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng. Từ chối, hạn chế, hoặc tái sử dụng là những hành động nên làm để giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường.
tuyet chieu hoi sinh 8220rac thai tuyen truyen8221 cua ba me bim sua
Các sản phẩm được may lại từ tấm pano, áp phích tuyên truyền

Ở những thành phố lớn, các băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền quảng cáo được treo tràn lan trên các con phố. Sau thời gian ngắn ngủi phát huy vai trò của mình chúng sẽ bị thải bỏ ra môi trường, vừa lãng phí, vừa tạo nên cái gọi là “ô nhiễm trắng”. Có rất nhiều ý tưởng để tái sử dụng loại rác thải này nhưng không phải ai cũng làm được.

Với sự sáng tạo của một người yêu môi trường, chị Đỗ Diệu Linh – chủ một xưởng may ở Hà Nội đã giúp những tấm pano, áp phích này được “hồi sinh” dưới một hình hài mới là những chiếc túi tiện dụng thay túi nilon cho sinh hoạt hằng ngày, túi đựng tài liệu cho văn phòng, giỏ đựng hoa quả, hộp cơm… vô cùng xinh xắn và đáng yêu.

tuyet chieu hoi sinh 8220rac thai tuyen truyen8221 cua ba me bim sua
Túi đựng bình nước cá nhân với nhiều lựa chọn về màu sắc

Luôn trăn trở với suy nghĩ: Làm sao để bảo vệ môi trường?, chị Linh đã lên ý tưởng và thực hiện những kế hoạch mà mình ấp ủ từ lâu. Chị kể, thời gian đầu, chị phải trực tiếp tìm kiếm và liên hệ với những công ty tổ chức sự kiện, hay các quận, huyện,… để xin lại những tấm băng rôn quảng cáo, tuyên truyền đã qua sử dụng. Khó khăn nhất là sau khi các sự kiện kết thúc, chị phải trực tiếp đến tận nơi tháo gỡ các băng rôn đó và mang về nhà để tái sản xuất.

Dưới bàn tay khéo léo của người thợ may có kinh nghiệm lâu năm, những tấm pano đó sẽ được đo, cắt thành những tấm nhỏ và may lại làm lớp lót bên trong của các sản phẩm như: thùng rác, túi đeo đi chợ, cặp đựng tài liệu, túi đựng hộp cơm… Những món đồ xinh xắn, tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất hữu ích cho sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt mang thông điệp ý nghĩa, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.

tuyet chieu hoi sinh 8220rac thai tuyen truyen8221 cua ba me bim sua
Túi đựng hộp cơm tiện lợi cũng được tái chế từ rác thải “tuyên truyền”

Mỗi ngày, chị Linh đều không ngừng tìm tòi, sáng tạo để có thể tái chế ra nhiều sản phẩm khác nhau, vừa tiện dụng mà hình thức lại vô cùng ưa nhìn. Cũng có nhiều bạn bè đã ủng hộ việc làm ý nghĩa của chị bằng việc đặt may những vật dụng mà mình thích như: túi xách đựng đồ, hộp cơm, túi đựng đồ trang điểm, túi đựng tài liệu,… Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thiện đều được chị chụp lại để đăng tải lên lên trang cá nhân và nhận được sự ủng hộ, khen ngợi của rất nhiều người.

Chị luôn hy vọng việc làm của mình sẽ được lan tỏa và nhân rộng tới cộng đồng. “Bản thân mình mong muốn tất cả mọi người sẽ biết cách tái chế và sử dụng lại những sản phẩm từ nhựa, nilon… Mỗi ngày, chúng ta học thói quen bớt sử dụng đi một túi nilon, một đồ nhựa, có như vậy thì môi trường mới được bảo vệ một cách bền vững” – chị Linh tâm sự.

tuyet chieu hoi sinh 8220rac thai tuyen truyen8221 cua ba me bim sua
Cặp đựng tài liệu xinh xắn cũng là sản phẩm được nhiều người yêu thích

Giữa bộn bề của cuộc sống, khi mà hầu hết mọi người suy nghĩ chỉ cần dùng những gì tiện lợi, nhanh gọn nhất cho mình thì đâu đó vẫn còn những con người tâm huyết với công việc gìn giữ môi trường xanh như chị Linh. Mỗi người chỉ cần thay đổi thói quen của mình sẽ góp phần làm hạn chế ô nhiễm môi trường. Thay vì kết thúc vòng đời của các sản phẩm nhựa hay nilon tại các bãi rác, hãy để rác thải có cơ hội “tái sinh”, đóng góp cho cuộc sống thêm xanh.

Nguyễn Luận

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường