Tỷ lệ đuối nước các nước châu Âu “đột ngột” tăng cao do nắng nóng

Người dân các nước châu Âu đổ xô kéo về các bể bơi, bãi biển trong bối cảnh một đợt nắng nóng cao kỷ lục sắp diễn ra, chính điều này đã dẫn đến tỷ lệ tử vong do đuối nước có xu hướng tăng cao...

Theo cơ quan khí tượng thủy văn Pháp Meteo-France, một loạt thành phố nước này đã ghi nhận mức nhiệt cao từ ngày 23/7. Trong đó thành phố Bordeaux có nhiệt độ lên tới 41,2 độ C, cao hơn 0,5 độ so với mức nhiệt cao kỷ lục đo được hồi tháng 8/2003.

Trong khi đó, nhiệt độ tại các nước láng giềng của Pháp gồm Bỉ, Luxembourg, Đức và Hà Lan cũng được dự báo có thể vượt mức kỷ lục trước đó là 38,6 độ C.

Một cơ quan khí tượng của Anh cũng có dự báo nhiệt độ tại nước này trong ngày 25/7 có thể vượt mức kỷ lục 38,5 độ C - từng được ghi nhận tại Faversham hồi tháng 8/2004.

Trong bối cảnh đó, công ty điều hành mạng lưới đường sắt của Anh Network Rail cho biết đang giảm các chuyến tàu để đối phó với thời tiết cực đoan. Theo lý giải Network Rail, nắng nóng có thể khiến dây điện phía trên tàu bị chùng xuống và hư hại nếu tàu chạy nhanh.

ty le duoi nuoc tai cac nuoc chau au tang cao do nang nong
Tỷ lệ đuối nước tại các nước châu Âu tăng cao do nắng nóng.

Để đối phó với nắng nóng, nhiều người dân từ Pháp đến Na Uy đều tìm cách "hạ nhiệt" tại các sông, hồ. Điều này vô hình chung làm gia tăng các trường hợp tử vong do đuối nước.

Tại London (Anh), cảnh sát đang tìm 3 người bị mất tích trên sông Thames khi đang bơi. Tại Hà Lan, một số trường mẫu giáo đã phải đóng cửa do lo ngại nắng nóng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Nắng nóng cũng đã khiến mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh. Giới chức Pháp đã hạn chế việc sử dụng nước tại 73 trong số 96 khu vực hành chính, đồng thời kêu gọi người dân tránh để lãng phí nước.

Đáng chú ý, đây là đợt nắng nóng thứ 2 xuất hiện tại châu Âu chỉ trong 2 tháng. Điều này càng làm tăng quan ngại hoạt động của con người đang "thiêu đốt" hành tinh.

Lo ngại này không phải là không có cơ sở bởi theo một nghiên cứu của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, nếu không có biến đổi khí hậu, đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần tại Bắc Âu trong năm 2019 có thể đã không nghiêm trọng đến như vậy.

Không chỉ ở châu Âu, một loạt các nước tại nhiều khu vực trên thế giới cũng đang phải đối phó với tình trạng hạn hán trong năm 2019. Có thể kể đến đợt hạn hán kéo dài tại Angola hồi tháng 5 năm nay, khiến hơn 2,3 triệu người dân nước này phải sống trong tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm do hoạt động chăn nuôi và sản xuất bị ảnh hưởng, trong khi hàng nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời.

Hay đợt hạn hán tại Ấn Độ hồi tháng 6 vừa qua. Trận hạn hán lịch sử biến nhiều khu vực của Ấn Độ thành "địa ngục trần gian". Người dân ở hàng trăm ngôi làng đã phải sơ tán, bỏ lại tài sản và nhà cửa do sức tàn phá của biến đổi khí hậu.

Trần Giang (T/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường