Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn FLC đảm nhận vị trí Chủ tịch FLCHomes |
Tối 18/11, Tập đoàn FLC (mã: FLC) đã tổ chức sự kiện “Cơ hội đầu tư vào FLCHomes” nhằm chia sẻ những thông tin về hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính về CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes trước thềm đưa cổ phiếu FHH niêm yết trên sàn chứng khoán. Cùng với FHH, hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng sẽ sớm niêm yết cổ phiếu BAV lên sàn, dự kiến vào cuối năm 2019.
Theo thông tin được chia sẻ, FLCHomes hiện có vốn điều lệ 4.160 tỉ đồng sau thời gian ngắn (khoảng 3 năm) tăng vốn nhanh chóng gấp 208 lần từ mức vốn ban đầu 20 tỉ đồng. Công ty dự kiến tháng 12/2019 sẽ niêm yết lần đầu lên sàn UpCoM với khối lượng 416 triệu cổ phiếu. Mức giá khởi điểm là 35.000 đồng/CP.
Cũng trong tháng 12, FLC cũng dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu BAV của Bamboo Airways lên sàn chứng khoán. Dù chưa công bố kế hoạch niêm yết, nhưng mức giá khởi điểm của BAV được hé lộ sẽ không thấp hơn 60.000 đồng/CP. |
Được biết, FLCHomes thành lập năm 2016 với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư dự án bất động sản, quản lý vận hành và khai thác chuỗi sân golf quy mô lớn của Tập đoàn FLC cùng hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp. Theo giới thiệu, FLCHomes là chủ đầu tư dự án toà tháp đôi trụ sở số 265 Cầu Giấy (toà nhà FLC Twin Tower và Bamboo Airways), dự án khách sạn số 70 Hàng Mã (Hà Nội), dự án khu đô thị Ecohouse Long Biên. Bên cạnh đó, công ty này hiện là đơn vị quản lý, vận hành, khai thác chuỗi sân golf quy mô lớn cùng khu nghỉ dưỡng hạng sang của Tập đoàn FLC. Đặc biệt, quỹ dự án đầu tư và phân phối của FLCHomes đã lên tới hơn 300 dự án ở nhiều địa phương và quỹ sản phẩm này có thể đáp ứng cho khả năng cung ứng và vận hành của FLCHomes đến năm 2030.
Tại sự kiện này, ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC đã chia sẻ những thông tin chính về kế hoạch kinh doanh của FLCHomes trong giai đoạn 2019-2024 với sự tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, doanh thu của FLCHomes năm 2019 dự kiến là 1.700 tỉ đồng, chủ yếu từ hoạt động thương mại và lợi nhuận trước thuế 215 tỉ đồng.
Nhưng sang năm 2020, doanh thu của FLCHomes sẽ tăng trưởng bứt phá lên 5.157 tỉ đồng với nguồn thu chính từ bất động sản. Dự kiến công ty này sẽ đạt mức doanh thu kỷ lục là 11.452 tỉ đồng vào năm 2024 và lợi nhuận đạt 2.243 tỉ đồng. Bất động sản sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, ngoài ra, là thu từ dịch vụ môi giới bất động sản và kinh doanh sân golf.
Với lợi nhuận tăng trưởng gấp 10 lần trong 5 năm tới, vốn chủ sở hữu của FLCHomes cũng tăng mạnh từ 4.160 tỉ đồng lên 10.102 tỉ đồng.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC trình bày về kế hoạch kinh doanh của FLCHomes. Ảnh: Đức Quyền. |
Với kế hoạch kinh doanh này, FLCHomes cũng hé lộ mức định giá cổ phiếu FHH khi lên sàn UpCoM dự kiến là 35.000 đồng/CP, tương ứng mức vốn hóa 14.560 tỉ đồng. Trong khi đó, Tập đoàn FLC đã triển khai bán ưu đãi cổ phiếu FHH cho cán bộ nhân viên thuộc Tập đoàn FLC với giá 25.000 đồng/CP kèm cam kết mua lại giá gấp đôi sau 6 tháng. Tương tự, cổ phiếu BAV cũng được bán ưu đãi cho nhân viên tập đoàn với mức giá 20.000 đồng/CP, thấp hơn nhiều mức giá dự kiến niêm yết lên sàn.
Chia sẻ về mức giá khá cao của hai cổ phiếu mới FHH và BAV khi niêm yết, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cho rằng “FLCHomes tăng trưởng 10 lần trong 5 năm là điều hoàn toàn khả thi” và mức giá cổ phiếu là có cơ sở.
“Giả sử tôi bỏ ra 1.500 tỉ đồng mua lại cổ phiếu FLC thì cổ phiếu FLC sẽ tăng gấp 10 lần giá bây giờ, nhưng tôi biết rằng tôi chưa cần phải bỏ 1.500 tỉ đồng này. Trước đây tôi đã nói sẽ mua vào cổ phiếu FLC và trong năm 2020, tôi sẽ bỏ ra 1.500-2.000 tỉ đồng để tăng sở hữu cổ phiếu FLC", ông Quyết nói.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cam kết trong năm 2020 sẽ bỏ ra 1.500-2.000 tỉ đồng để tăng sở hữu cổ phiếu FLC |
Trước đó, tại các kỳ họp ĐHCĐ thường niên năm 2017 -2019, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng đã 2 lần đưa ra cam kết sẽ mua cổ phiếu FLC trong bối cảnh giá giảm rất sâu, luôn giao dịch dưới mệnh giá và hiện chỉ có 4.300 đồng/CP. Lần đầu ông Quyết hứa “sẽ mua vào cổ phiếu FLC nếu giá giảm dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP” nhưng đã không thực hiện mua dù FLC đã giảm xuống đáy 3.200 đồng/CP hồi tháng 10. Đến tháng 6/2019, tại ĐHCĐ thường niên, ông Quyết bày tỏ buồn rầu khi thị giá FLC vẫn thấp ngang giá rau muống nên vị chủ tịch này tiếp tục tuyên bố: “Tôi xin hứa với cổ đông sẽ mua vào cổ phiếu ở thời điểm thích hợp để cổ phiếu không còn dưới mệnh giá nữa”.
Đối với trường hợp FLCHomes, theo ông Trịnh Văn Quyết, nếu tỉ lệ sở hữu bên ngoài chỉ 10% thì giá cổ phiếu này có thể đạt 3 chữ số, tức là hơn 100.000 đồng/CP chứ không phải 35.000 đồng/CP như giá chào sàn. Nhất là khi Tập đoàn FLC cũng như các cá nhân đang cam kết sở hữu 90% FLCHomes. Hiện chỉ có 10% cổ phần được bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên Tập đoàn FLC.
Còn về Bamboo Airways, Chủ tịch FLC khẳng định, hãng sẽ chào sàn trong năm 2020 và không có ý định bán cổ phiếu (mã BAV) ra bên ngoài, cho cả đối tác trong nước và đối tác nước ngoài vào thời điểm này. Nếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài thì mức giá tối thiểu là 150.000 đồng/CP chúng tôi mới bán.
"Chúng tôi sẽ không bao giờ để cổ phiếu FLC năm 2020 dưới mệnh giá mà sẽ gấp nhiều lần hiện nay, thậm chí có thể 8-10 lần. Tôi tin giá cổ phiếu FHH của FLCHomes và BAV của Bamboo Airways có thể đạt 3 chữ số trong năm 2020”, ông Quyết nói và để củng cố niềm tin cho thị trường, Chủ tịch FLC còn tuyên bố: “Nếu hai cổ phiếu này không đạt ba chữ số trong năm 2020, FLC không vượt mệnh giá thì tôi sẽ phá sản công ty. Thương hiệu FLC coi như vứt đi, phá sản. Đây là lời hứa chắc chắn nhất, hiệu quả nhất. Tôi tin là sẽ không bao giờ dẫn tới chuyện phá sản".