Ứng dụng công nghệ, giảm thiểu rủi ro thiên tai

Trong những năm tới, Luật Tài nguyên nước sửa đổi cần tập trung vào 5 nhóm chính sách: Đảm bảo an ninh nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra; chính sách xã hội hóa ngành nước; chính sách tài chính về tài nguyên nước…
Phục hồi nguồn tài nguyên nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt NamSửa đổi Luật Tài nguyên nước vì sự phát triển bền vững KT-XHQuản lý tài nguyên nước bền vững từ quy hoạch các lưu vực sôngTham vấn sử dụng bền vững tài nguyên nước ĐBSCL

Mới đây, Trường Đại học TN&MT Hà Nội phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế về giáo dục Đại học Hà Lan – NUFFIC tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ ứng dụng trong ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, thực trạng khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh về phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến khu vực đang gây ra tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Theo đó, 4 mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước ở Việt Nam bao gồm: Trên 60% tổng lượng dòng chảy sông ngòi Việt Nam đến từ nước ngoài; thiên tai và biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nguồn nước; chất lượng nước có nguy cơ suy thoái nghiêm trọng; nhu cầu sử dụng nước của Việt Nam ngày càng tăng do sức ép phát triển kinh tế - xã hội, dân số gia tăng và nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.

Ứng dụng công nghệ trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro thiên tai - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến khu vực đang gây ra tác động tiêu cực đến an ninh nguồn nước của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, trong những năm tới, Luật Tài nguyên nước sửa đổi cần đảm bảo độ tin cậy và hiệu quả trong thực thi. Những nội dung, chính sách lớn cần sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa thành Luật Tài nguyên nước và tập trung vào 5 nhóm chính sách: Đảm bảo an ninh nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra; chính sách xã hội hóa ngành nước; chính sách tài chính về tài nguyên nước…

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước trong thời gian tới, theo ông Hà, cần có giải pháp tổng thể và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, tăng cường toàn bộ thể chế quản lý; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tiếp thu, xử lý và cung cấp thông tin tài nguyên nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế đa phương và song phương; sắp xếp hợp lý nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý tài nguyên nước.

Cùng với đó, một số tham luận khác cũng được trình bày tại Hội thảo gồm: Cách tiếp cận học máy trong nghiên cứu thảm họa thiên tai; đánh giá mức độ phá vỡ cảnh quan ở khu vực Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) sử dụng các mô hình cây khác nhau; phòng, chống hạn hán bằng chuyển nước liên lưu vực ở Tây Nguyên; xây dựng kế hoạch kiểm soát nước, giảm thiểu lũ lụt ở Cần Thơ; những thách thức, bài học và đổi mới để tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu và quản lý rủi ro tổng hợp lũ lụt ở Việt Nam: Kinh nghiệm từ các Dự án phát triển 15 năm.

Ngoài ra, còn có các tham luận về ứng dụng tổng hợp các phương pháp Địa chất, mô hình Thủy động lực học, Công nghệ viễn thám và Hệ thống thông tin địa lý để cảnh báo nguy cơ xói lở bờ sông Hồng khu vực Sơn Tây - Gia Lâm, Hà Nội; sử dụng hình ảnh trên mặt đất để giám sát các đảo nhiệt đô thị tại Hà Nội, Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2021; cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở đất: vai trò của thông tin thủy văn từ các cảm biến tại chỗ và vệ tinh; kết quả so sánh phân tích sự cố dốc đá trên tuyến quốc lộ 3B, khu vực Xuất Hóa, Bắc Kạn; các công cụ hợp tác và công cụ mở để Quản lý Thiên tai và Giảm thiểu Rủi ro.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thiên tai diễn ra phức tạp, cực đoan, trái quy luật như: mưa lũ trái mùa kèm theo dông, lốc lớn trên diện rộng, bão gây mưa lớn...

Từ ngày 30/3 - 2/4, mưa lớn tại khu vực miền Trung đã gây thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Từ 15-28/4 đã liên tiếp xảy ra 41 trận động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trong tháng 4, 5 đến giữa tháng 6, nhiều đợt mưa lớn kéo dài với các giá trị vượt mức lịch sử tại Bắc Bộ…

Mưa lớn kéo dài ở miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp (đặc biệt ngập lụt các khu vực đô thị như: Hà Nội, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang,…). Các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả lũ và duy trì trong một thời gian khá dài (đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa đi vào khai thác, vận hành). Mực nước trên một số tuyến sông thuộc hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã lên báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3, đe dọa an toàn hệ thống đê điều.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thành, tập trung vào 4 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội thông qua là Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cụ thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Do đó, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước.

Lan Anh