Vì sao Đại Hưng ‘phù phép’ lấy đất thuê 50 năm làm dự án Sago Palm Garden?

Dù chỉ mới được đồng ý chủ trương điều chỉnh mục tiêu từ dự án sản xuất gạch Tuynel sang làm nhà ở và mở rộng diện tích, Công ty Đại Hưng đã ngang nhiên xây dựng 200 căn biệt thự, nhà phố tại dự án Sago Palm Garden. Cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên chỉ vào cuộc kiểm tra khi “việc đã rồi”.
Danko đầu tư dự án 'khủng' cỡ nào trên đất Thái Nguyên?Công trình Golden Palm nứt tường, Bộ Xây dựng đề nghị xử lý triệt đểHưng Yên: Cận cảnh hơn 200 căn biệt thự xây 'chui' tại Dự án Sago Palm Garden
vi sao dai hung phu phep lay dat thue 50 nam lam du an sago palm garden
Dù chỉ có chủ trương điều chỉnh dự án, Công ty Đại Hưng đã bán đất trái phép tại dự án Sago Palm Garden.

Chủ đầu tư “qua mặt” chính quyền

Tỉnh Hưng Yên vừa công bố kết luận thanh tra dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế (dự án Sago Palm Garden) tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên do Công ty cổ phần Thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư. Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, xác minh toàn diện việc thực hiện pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh nhà ở, thuế.

Kết quả kiểm tra cho thấy việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên ra các thông báo đồng ý chủ trương cho phép Công ty Đại Hưng điều chỉnh mục tiêu dự án từ sản xuất gạch Tuynel sang mục tiêu xây dựng nhà ở và mở rộng diện tích thực hiện dự án là phù hợp, bảo đảm theo quy định.

Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án điều chỉnh của Công ty Đại Hưng mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương, nhưng đã xây dựng 200 căn biệt thự, nhà liền kề và bán cho người mua.

Như Kinh tế Môi trường đã phản ánh, từ năm 2016, chủ đầu tư đã thi công rầm rộ các hạng mục của khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế trên diện tích 51.000m2, xây gần 200 căn nhà ở kiên cố. Các cổng ra vào của dự án được kết nối trực tiếp với hạ tầng khu đô thị Ecopark.

Dù dự án vẫn “trên giấy”, chủ đầu tư đã ký hợp đồng hợp tác, hợp đồng mua bán, kinh doanh bất động sản trái luật với nhiều khách hàng, thu hơn 244 tỉ đồng, vi phạm luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản. Công ty còn ký hợp đồng mua bán nhà và thu hơn 123,4 tỉ đồng mà chưa viết hóa đơn bán hàng, vi phạm quy định hiện hành. Người mua nhà phải mua lại qua chuyển nhượng, giá dao động từ 40-60 triệu đồng/m2 đối với nhà phố có diện tích từ 80-135m2, chưa gồm chi phí xây dựng.

Sau khi hàng trăm căn nhà kiên cố được xây dựng trái phép, cơ quan thanh tra tỉnh Hưng Yên mới vào cuộc kiểm tra và đã chỉ ra nhiều vi phạm của Công ty Đại Hưng như: chưa đăng ký biến động thay đổi tên pháp nhân; vi phạm quy định pháp luật về đất đai; vi phạm pháp luật về đầu tư; vi phạm quy định pháp luật về xây dựng... Công ty này cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan Nhà nước về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Hưng Yên xác định, các cơ quan quản lý hành chính gồm Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN&MT chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị. Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định.

Còn UBND huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.

Sau khi có kết luận thanh tra, ông Bùi Thế Cử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Công ty Đại Hưng nghiêm túc chấm dứt và khắc phục các sai phạm; các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra theo đúng nhiệm vụ, chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

“Quyền lực ngầm” của đại gia

Quá trình đầu tư dự án Sago Palm Garden của Công ty Đại Hưng cũng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên về khả năng “biến hoá” từ khu đất thuê 50 năm để sản xuất gạch thành đất ở có giá cao, tạo ra khoảng chênh lệch địa tô rất lớn.

Được biết, ngày 23/4/2002, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định số 882/QĐ-UB đồng ý cấp giấy chứng nhận cho Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Văn Giang thuê để thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch với thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày 23/4/2002.

Đến năm 2016, tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định về chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel cho Công ty Đại Hưng (địa chỉ tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), có vốn điều lệ 30 tỉ đồng, do bà Nguyễn Thị Chiến là Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật. Dự án có tổng vốn đầu tư là 30,2 tỉ đồng, công suất là 15 triệu viên/năm, diện tích khu đất là 50.743 m2.

Chỉ 4 tháng sau, Công ty Đại Hưng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm nhà máy sản xuất gạch sang làm dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden). Đến ngày 30/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư của Công ty Đại Hưng sang mục đích làm nhà ở.

Trong lần điều chỉnh năm 2018, tỉnh Hưng Yên tiếp tục đồng ý mở rộng dự án thêm 10.000 m2 để xây dựng ki ốt bán hàng, làm hạ tầng giao thông.

Trong khi chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án bất động sản, Công ty Đại Hưng đã lập tức làm hạ tầng, bán đất trái phép để thu tiền của hàng trăm khách hàng dù chỉ mới có “chủ trương điều chỉnh dự án”.

Có thể thấy, chỉ bằng cách lập dự án nhà máy gạch và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Đại Hưng đã “hô biến” hơn 5,1ha đất thuê 50 năm của Nhà nước thành đất ở thương mại. Giá trị đất ở đã tăng mạnh cao hơn hàng chục lần nhờ “ăn theo” khu đô thị Ecopark liền kề, và chủ dự án đã ung dung bán đất, thu lợi nhuận “khủng”.

Thế nhưng, suốt 4 năm qua, dự án Sago Palm Garden vẫn chưa thể hoàn thiện thủ tục pháp lý đầu tư bất động sản do vướng mắc về định giá khu đất, vốn là đất thuê 50 năm.

Liệu rằng quá trình thẩm định, xét duyệt chuyển đổi mục đích đất thuê 50 năm để sản xuất gạch sang đất ở của Công ty Đại Hưng diễn ra nhanh chóng, có sự “ưu ái” từ tỉnh Hưng Yên không?

vi sao dai hung phu phep lay dat thue 50 nam lam du an sago palm garden
Công ty Đại Hưng “thâu tóm” khu đất 5,1ha ngay kế bên Khu đô thị Ecopark có liên quan gì đến gia đình ông Nguyễn Công Hồng?

Đáng chú ý là, sau khi bà Nguyễn Thị Chiến đã rút lui khỏi Hội đồng quản trị năm 2018, Công ty Đại Hưng đã có vị Chủ tịch mới là ông Nguyễn Công Huy (sinh năm 1990). Một nguồn tin cho biết, vị chủ tịch trẻ tuổi này là con trai của ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark- sở hữu khu đô thị Ecopark.

Còn vị trí Giám đốc vẫn do ông Nguyễn Tiến Mạnh, người đại diện phần vốn của Công ty Tân Xuyên (thuộc Tổng công ty Viglacera) từ năm 2004- đảm nhận lâu nay.

Được biết, Công ty Đại Hưng có 14 cổ đông sáng lập nhưng chủ yếu là các cá nhân nắm sở hữu 23% vốn điều lệ. Vậy còn 77% vốn Công ty Đại Hưng với dự án Sago Palm Garden nằm kế bên Khu đô thị Ecopark đang nằm trong tay ai, liệu có liên quan gì đến gia đình ông Nguyễn Công Huy- Nguyễn Công Hồng hay không?

Dư luận cũng đặt câu hỏi rằng “quyền lực ngầm” nào có sức ảnh hưởng đến mức chính quyền tỉnh Hưng Yên có thể “phớt lờ” những sai phạm của Công ty Đại Hưng trong đầu tư, xây dựng công trình, kinh doanh bất động sản trái quy định pháp luật như vậy?

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường