Đây là nhận định được Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN của Thái Lan Suriya Chindawongse đưa ra khi tham dự Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AFMR) diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa từ ngày 15-17/1/2020.
ASEAN ủng hộ các ưu tiên do Việt Nam đề xuất
Ông Suriya cho biết, ông đặc biệt ấn tượng với cách thức Việt Nam tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AFMR) với những nội dung thảo luận hết sức cụ thể, chi tiết và nhận được sự ủng hộ của đông đảo các nước thành viên ASEAN.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN của Thái Lan, chủ đề do Việt Nam đưa ra “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là rất quan trọng bởi “Gắn kết” đòi hỏi các nước ASEAN phải luôn tạo được sự thống nhất và tính tập trung cao độ. Chúng ta đang sống trong một khu vực có rất nhiều sự thay đổi.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN của Thái Lan Suriya Chindawongse |
Trong khi đó “Thích ứng” là bởi trước những thay đổi nhanh chóng đó, ASEAN cần nhiều đề xuất mới, đặc biệt là những chính sách để thúc đẩy Cộng đồng ASEAN phát triển để nhận được sự tôn trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên khắp thế giới.
Ông Suriya nhấn mạnh: “Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AFMR) là sự kiện đầu tiên của ASEAN dưới sự chủ trì Việt Nam trong năm 2020. Chính vì thế, thành công của Hội nghị lần này có thể coi là sự khởi đầu hết sức tốt đẹp cho Việt Nam.
Tuy nhiên, một điều còn quan trọng hơn nữa đó là, Hội nghị lần này đã mở ra những cơ hội cho Việt Nam đề xuất những ưu tiên hàng đầu trong năm Chủ tịch ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, tăng cường hợp tác, kết nối kinh tế”.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong đó đặt trọng tâm vào những ngành công nghệ cao để có thể thích ứng với những thách thức về công nghệ và kỹ thuật mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 gây ra.
“Có thể nói, những ưu tiên do Việt Nam đề xuất là rất phù hợp và Thái Lan cùng các nước thành viên khác trong ASEAN cam kết ủng hộ Việt Nam triển khai những ưu tiên này để có thể không những giải quyết tốt những thách thức nội khối mà còn đề ra được cách thức hợp tác hiệu quả hơn với các quốc gia khác trên khắp thế giới để có thể đem lại những lợi ích tối đa cho cả ASEAN và các đối tác”, ông Suriya nhận định.
Dù thừa nhận vẫn còn một số khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề ASEAN của Thái Lan Suriya khẳng định, ASEAN sẽ thảo luận về những khác biệt này một cách xây dựng để có thể tìm được tiếng nói chung.
Cũng theo ông Suriya, một “thành công được dự báo từ trước” dành cho Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 chính là khả năng ký kết thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà 15/16 nước thành viên, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã kết thúc đàm phán trong năm 2019. Ông Suriya nhấn mạnh, một khi RCEP được thông qua, thương mại và đầu tư trong khu vực sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Nâng tầm vị thế của Việt Nam và ASEAN tại Liên Hợp Quốc
Liên quan đến việc Việt Nam lần thứ 2 được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu cao kỷ lục 192/193, ông Suriya cho rằng, chỉ riêng điều này đã là một thành công lớn của Việt Nam và từ trước đến nay, không có nhiều quốc gia đảm nhận “trọng trách kép” trong cùng một năm như vậy.
Theo ông Suriya, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào việc đảm bao hòa bình và ổn định trên thế giới cũng như thúc đẩy những lợi ích dành cho ASEAN không chỉ trong Hội đồng Bảo an mà còn cả ở quy mô lớn hơn là Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thể hiện tình đoàn kết trước phiên họp AFMR diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hòa. |
Ngoài ra, việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng sẽ khiến cộng đồng thế giới quan tâm đến ASEAN nhiều hơn bởi đây là khu vực đã đạt được rất nhiều thành tựu được đánh giá cao trong đó có việc đảm bảo an ninh, duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Ông Suriya cho rằng, các nước ASEAN hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng Việt Nam có thể quảng bá thành công hình ảnh của ASEAN ra thế giới nhờ vào uy tín và vị thế đang lên của nước này. Sự tin tưởng trên bắt nguồn từ việc Việt Nam đã đề xuất lên ASEAN bản kế hoạch hành động chi tiết với Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và đề xuất này của Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ ASEAN.