Việt Nam là điểm đến hàng đầu của nhiều du khách quốc tế

Việt Nam dần trở thành điểm đến thu hút du khách quốc tế, với sự bứt phá ngoạn mục từ lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm 2022.
Tạo điều kiện phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch bền vữngĐBSCL: Nhiều tín hiệu phục hồi khả quan từ thị trường khách du lịch quốc tếBình Thuận: Triển khai công tác phục vụ du lịch dịp lễ 30/4 – 1/5Phát triển du lịch bền vững, tạo động lực phục hồi du lịch quốc gia

Gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Tính riêng tháng 5.2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 916,3 nghìn lượt người, giảm 6,9% so với tháng trước và gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng qua, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng qua tăng 22,1%; du lịch lữ hành tăng 89,4% so với cùng kỳ năm trước do trong tháng có nhiều ngày nghỉ lễ.

Tính theo vùng lãnh thổ, trong 5 tháng qua, lượng khách châu Á tiếp tục dẫn đầu số lượt người đến Việt Nam với hơn 3,4 triệu lượt. Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách đến Việt Nam đông nhất với hơn 247.500 lượt khách; Trung Quốc đứng thứ 2 với 146.700 lượt; Nhật Bản đứng thứ 3 với hơn 43.000 lượt khách.

Châu Âu là thị trường có số lượng khách đến Việt Nam đông thứ 2 với 621.100 lượt; châu Mỹ là 396.000 lượt, châu Úc có 172.100 lượt, châu Phi là 10.500 lượt khách.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, đến nay, cả nước đã đón được gần 4,6 triệu lượt. Như vậy, trong 7 tháng còn lại của năm nay, cả nước hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu đã đề ra.

Việt Nam là điểm đến hàng đầu của nhiều du khách quốc tế - Ảnh 1
Khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Du lịch Việt Nam được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông nước ngoài vinh danh, góp phần tăng sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế. Trong đó, Cát Bà (Hải Phòng) đứng thứ 2 trong danh sách 10 bãi biển ngoạn mục nhất châu Á vừa được chuyên trang về du lịch của Microsoft đề xuất.

Trong khi đó, Ninh Bình được chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đề xuất là 1 trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tuyệt vời nhất thế giới năm 2023.

Chuyên trang du lịch quốc tế nổi tiếng Lonely Planet vừa gọi tên tuyến đường sắt Thống Nhất (đường sắt Bắc Nam) của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong 9 hành trình du lịch bằng tàu ngoạn mục nhất thế giới, khởi hành từ thủ đô Hà Nội và kết thúc tại TP.HCM với quãng đường khoảng 1.730km.

Gỡ điểm nghẽn để phục hồi du lịch

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đề xuất một số đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật này, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Hội đồng Tư vấn du lịch ủng hộ sửa đổi cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ (sửa Điều 19a); sửa đổi thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần (sửa Khoản 2, Điều 9).

Về miễn thị thực, Hội đồng Tư vấn du lịch đề xuất quy định thời gian chương trình miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước được áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn 5 năm và được xem xét gia hạn tiếp tục trước thời điểm hết hạn ít nhất 6 tháng (sửa khoản 2, Điều 13) để các cơ quan, doanh nghiệp và đối tác có thể xây dựng kế hoạch dài hạn phù hợp nhằm khai thác và xúc tiến thị trường tốt hơn.

Mặt khác, để khuyến khích khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam và tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch quốc tế, Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, cần nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu quốc tế cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày và có giá trị nhiều lần (sửa điểm c, khoản 1, Điều 31).

Đồng thời, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất xem xét bổ sung quy định miễn thị thực đơn phương 30 ngày cho khách du lịch tham gia một số loại hình du lịch đặc biệt như: du lịch golf, du lịch bằng máy bay chuyên cơ…, hoặc các sự kiện đặc biệt như tham dự giải đấu thể thao, diễn đàn, hội chợ du lịch cấp quốc gia… (bổ sung khoản 1a, Điều 13).

Ngoài ra, để thu hút người nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, người lao động kỹ thuật cao làm việc dài hạn trong ngành Du lịch và người nước ngoài làm việc từ xa (khách du mục kỹ thuật số) vào Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất bổ sung thêm một loại thị thực.

Cụ thể là cần bổ sung thị thực cấp cho đối tượng là cá nhân nước ngoài mua bất động sản là nhà ở tại Việt Nam, có thời hạn là 5 năm (sửa khoản 6, Điều 9); kéo dài thời hạn cho thị thực (LĐ2) từ không quá 2 năm lên 3 năm; bổ sung thêm loại thị thực dành cho người nước ngoài làm việc từ xa ở Việt Nam (LĐ3) có thời hạn 2 năm (bổ sung Điều 8, Điều 9).

Bên cạnh đó, để loại bỏ hình thức làm dịch vụ visa trá hình nhằm thu lợi bất chính, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất cho phép cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy tư cách mời, bảo lãnh người nước ngoài, hủy tài khoản điện tử nếu cơ quan, tổ chức làm dịch vụ visa không thông báo rõ ràng cho khách du lịch quốc tế biết và thu phí dịch vụ cao hơn quy định (bổ sung vào khoản 2, Điều 45; khoản 2, Điều 14 và khoản 7, Điều 16b).

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết