Xu thế phát triển bền vững
Là quốc gia ven biển với đường bờ biển dài trên 3.260 km, nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố có biển và khoảng một nửa dân số sống ở các tỉnh, thành phố ven biển. Vì thế, biển Đông đã trở thành nhân tố trọng yếu đối với phát triển kinh tế biển nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Bên cạnh đó, biển là cái nôi của sự sống, là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhận thức về biển và phát triển bền vững kinh tế biển trên thế giới ngày càng rõ ràng hơn với nhiều chuyển biến tích cực qua thời gian. Chiến lược biển của nhiều quốc gia đã nhấn mạnh tới nội hàm quan trọng là phát triển kinh tế biển và các thể chế quản lý biển.
Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Ngày nay, biển và kinh tế biển ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Để quản lý biển và khai thác nguồn tài nguyên lợi thế của biển, Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khẳng định biển là một phần không thể tách rời của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 05/3/2020 của Chính phủ xác định kế hoạch đến năm 2025 phát triển kinh tế biển, ven biển tập trung.
Cụ thể, đối với du lịch và dịch vụ biển: tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 06/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển theo mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; rà soát, xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để tạo sự phát triển đột phá cho du lịch và dịch vụ biển, v.v.
Với kinh tế hàng hải: tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các cảng: cửa ngõ quốc tế, chuyên dùng quy mô lớn. Cải tạo nâng cấp các cảng hiện có; xây dựng có trọng điểm một số cảng địa phương theo chức năng, quy mô phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư nâng cấp, nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải; tiếp tục phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, v.v.
Về công nghiệp ven biển, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu: kinh tế, công nghiệp ven biển; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị...
Đối với phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và một số dạng năng lượng tái tạo khác. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, như: rừng ngập mặn, dược liệu biển, nuôi, trồng và chế biến rong, tảo, v.v.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Với bối cảnh chung của thế giới và khu vực khi vai trò, tầm quan trọng của biển và kinh tế biển đang ngày càng gia tăng và định hình rõ hơn, thì vấn đề kinh tế biển của Việt Nam cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Cần phải nhìn nhận rằng, Việt Nam là một quốc gia biển với hàng nghìn năm lịch sử phát triển gắn với biển.
Trong những năm qua, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật về lĩnh vực biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là Đề án “Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó thể hiện quan điểm xuyên suốt là thỏa thuận, hợp tác quốc tế về rác thải nhựa đại dương phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Đề án đặt ra mục tiêu là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, năm 2022, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là hoàn thành Quy hoạch không gian biển Quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần tiếp tục tăng cường công tác hợp tác quốc tế.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được phê duyệt hợp tác với một số tổ chức quốc tế; xúc tiến các dự án đang xây dựng với các tổ chức của các nước có mối quan hệ hợp tác về lĩnh vực biển đảo nhiều năm nay như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển...; củng cố và mở rộng quan hệ với các đối tác đa phương và song phương về biển, đặc biệt chú ý phát triển hợp tác với các đối tác đa phương. Chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; thực hiện tốt trách nhiệm thành viên trong các tổ chức quốc tế liên quan...
Đặc biệt, năm 2022, Tổng cục tiếp tục tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hoạt động khoa học công nghệ. Trong đó, các đơn vị thuộc Tổng cục xác định rõ nhiệm vụ ưu tiên trong công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt là về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và rác thải nhựa đại dương; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ khoa học, công nghệ mở mới năm 2022…
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Theo đó, một trong những hoạt động được Bộ chú trọng trong năm 2022 là tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là ngoại giao về khí hậu, môi trường, chia sẻ khai thác tài nguyên nước xuyên biên giới, tài nguyên biển; phát huy nội lực, tranh thủ hỗ trợ quốc tế để thực hiện các cam kết của Việt Nam; khuyến khích, huy động cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn.
Để nắm bắt được các cơ hội từ sự dịch chuyển các dòng vốn tín dụng, đầu tư phát triển của thế giới, nhất là từ các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đa quốc gia, nước ta cần phải rà soát, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Từ đó, tạo môi trường đầu tư rất thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, các nước G7, các nước Bắc Âu,…
Lan Anh (T/h)