Việt Nam sẽ sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh nCoV trong hai tuần

Học viện Quân y sẽ thực hiện nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc virus corona chủng mới (nCoV-2019) và dự kiến sẽ hoàn thành trong hai tuần và sản xuất hàng loạt.
Người nhiễm virus corona thứ 13 tại Việt Nam không sốt, không hoViệt Nam đã có 'mồi thử' xét nghiệm nhanh nCoVChuyên gia dự đoán dịch virus Corona sẽ lên đỉnh điểm trong 2 tuần nữa
viet nam se san xuat bo sinh pham phat hien nhanh ncov trong hai tuan

Việt Nam sẽ sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nCoV trong hai tuần.

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 7/2, Bộ trưởng đã có quyết định phê duyệt kinh phí, giao trực tiếp cho các đơn vị trong nước thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất bộ sinh phẩm phát hiện nhanh, sàng lọc virus corona chủng mới (nCoV-2019), phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Cụ thể, Học viện Quân y chủ trì phối hợp cùng Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR) phát hiện chủng nCoV. Sau 1 tháng sẽ chế tạo ít nhất 10.000 test mỗi loại đạt tiêu chuẩn cơ sở để sử dụng phòng, chống dịch. Toàn bộ quy trình chế tạo bộ sinh phẩm, đánh giá độ nhạy, độ đặc hiệu, ổn định và tiêu chuẩn cơ sở... được hoàn thiện trong 18 tháng.

Việc nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng nCoV-2019 được giao cho Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa (Biochem) chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ) và Viện Pasteur TPHCM sản xuất. Yêu cầu sau một tháng sản xuất được 20.000 test đạt tiêu chuẩn cơ sở đưa vào sử dụng.

Viện Pasteur TPHCM chủ trì nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus học bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại Việt Nam. Nghiên cứu tập trung tìm giải pháp dự phòng, phác đồ điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV-2019 tại Việt Nam.

Ngay từ khi xuất hiện dịch, các đơn vị này đã chủ động nghiên cứu nên trong thời gian một tháng có thể sản xuất hàng loạt phục vụ công tác phòng, chống dịch. Riêng bộ sinh phẩm RT-PCR, có thể sản xuất sau hai tuần nếu được tạo điều kiện thông quan nhanh hóa chất, nguyên liệu nhập khẩu và được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TPHCM cung cấp chứng dương nCoV-2019 (mẫu dương tính).

Các đơn vị sản xuất cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép đưa vào sử dụng các bộ sinh phẩm này theo quy trình rút gọn để phục vụ công tác phòng, chống đại dịch.

Mặc dù dịch bệnh virus corona vẫn diễn biến phức tạp, lây nhiễm hơn 30.000 người trên thế giới và hơn 700 người tử vong, nhưng hiện Việt Nam chưa có người tử vong vì dịch bệnh này, chưa có ai bị lây nhiễm chéo. Việt Nam đã điều trị khỏi bệnh cho 3 người. Các trường hợp còn lại, tình hình sức khỏe cũng đang tiến triển khả quan.

Sáng 7/2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới trong phòng thí nghiệm. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc nuôi cấy thành công này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus nCoV, từ đó nghiên cứu ra vắc xin và các phiện pháp dự phòng hiệu quả trong tương lai. Với việc này, mỗi ngày tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết (hiện nay, Việt Nam đang có trên 1000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm).

Theo tờ South China Morning Post ngày 7/2, một nhóm chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) vừa chế tạo thiết bị cầm tay có thể chẩn đoán virus corona mới (nCoV) trong vòng 40 phút. Còn Đại học Macau đang nghiên cứu bộ chẩn đoán cho kết quả trong vòng 30 phút, ngay cả ở giai đoạn mới nhiễm.

Thiết bị này giúp kiểm tra các mẫu chất lỏng cơ thể và theo nhóm nghiên cứu trên là có thể phát hiện virus corona chủng mới nhanh hơn công nghệ hiện tại. "Điểm tốt nhất là thiết bị này nhanh và có thể xách tay"- ông Ôn Duy Giai (Wen Wei Jia), giáo sư vật lý tại Đại học khoa học kỹ thuật Hong Kong (HKUST) và là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Theo giáo sư này, thiết bị đã được đưa vào sử dụng tại hai thành phố ở Trung Quốc là Thâm Quyến cùng Quảng Châu, và ít nhất một bộ thiết bị đang được gửi đến tỉnh Hồ Bắc, trung tâm bùng phát dịch. Vị giáo sư nói: "Chúng tôi đã gửi thiết bị này tới nhiều nơi và hi vọng mọi người có thể sử dụng nó".

Theo Hải Nam/Tin Nhanh Online

Xem thêm

Liên kết