Việt Nam tạo điều kiện thu hút thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa

Trong bối cảnh mới, Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Từ đó, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.
Bất động sản nghỉ dưỡng “sáng cửa” về dài hạn khi du lịch tiếp đà tăng trưởngBình Thuận quyết đưa Khu du lịch Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vựcDu lịch Đà Nẵng phục hồi mạnh mẽGiải pháp nào để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh

Theo báo cáo của Ban hỗ trợ chính sách APEC (PSU), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận vaccine Covid-19, không yêu cầu xét nghiệm hay cách ly, khai báo y tế…

Với chính sách mở cửa du lịch quốc tế thông thoáng, du lịch Việt Nam đang lan tỏa năng lượng phục hồi tích cực. Công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights hiển thị sự gia tăng mạnh mẽ lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam.

Theo đó, lượng tìm kiếm thông tin khách sạn, resort ở Việt Nam cũng tăng cao trong tháng qua, gấp 7 lần so thời điểm tháng 3, còn tìm kiếm về hàng không quốc tế đến Việt Nam tăng 3 lần.

Việt Nam tạo điều kiện thu hút thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa - Ảnh 1
Lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam từ ngày 1/3/2022 đến 24/8/2022. (Nguồn: Google Destination Insights)

Top 10 quốc gia tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp, Anh, Malaysia.

Báo cáo cho thấy, các điểm đến được cộng đồng quốc tế tìm kiếm nhiều nhất đều là các trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, bao gồm: TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Vũng Tàu.

Ở chiều ngược lại, lượng tìm kiếm thông tin du lịch nước ngoài của người Việt Nam cũng đang tăng cao sau một thời gian dài bị dồn nén do dịch bệnh. Lượng tìm kiếm du lịch nước ngoài của người dân được ghi nhận tăng gấp 3 lần trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 8/2022.

Trong đó, các thị trường được du khách Việt tìm kiếm nhiều nhất bao gồm Singapore, Thái Lan, Campuchia, Mỹ, Úc, Malaysia, Indonesia, Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi, Nhật Bản,... Có thể thấy, các điểm đến gần ở khu vực Đông Nam Á đang là xu hướng ưu tiên của du khách Việt sau đại dịch.

Bên cạnh đó, thông tin Tổng cục Thống kê chính thức công bố ngày 29/8, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8/2022 đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng 7/2022 và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Riêng trong tháng 8, Hàn Quốc là quốc gia có đông du khách đến Việt Nam nhất với hơn 173.000 lượt người, chiếm 35,7% tổng du khách quốc tế đến nước ta và tăng 120 lần so với cùng kỳ năm 2021. Xếp thứ 2 là Mỹ với hơn 139.000 lượt khách, tăng 59,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam nhiều thứ 3 là Campuchia với 82.000 lượt du khách, tăng 260 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn - Định hướng quan trọng thu hút du khách

Phát biểu tại Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bức tranh du lịch Việt Nam đã có nhiều điểm sáng, mang tín hiệu khởi sắc. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.

Việt Nam tạo điều kiện thu hút thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa - Ảnh 2
Bức tranh du lịch Việt Nam đã có nhiều điểm sáng, mang tín hiệu khởi sắc.

Ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, chủ động cấu trúc lại thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, chuẩn bị các điều kiện bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trở lại sau dịch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng) và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Từ đó, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.

Du lịch MICE dự báo có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, tạo sức lan tỏa về điểm đến, song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, sản phẩm trải nghiệm...

Theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa.

Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Theo đó, để du lịch MICE thực sự phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.

Nhằm đạt được mục tiêu đón năm triệu du khách quốc tế trong năm nay, Tổng cục Du lịch định hướng kết nối lại tất cả các thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài và có đường bay thuận tiện đến Việt Nam, như: châu Âu, Mỹ, Australia và thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ. Tổng cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá chương trình “Live fully in Việt Nam”, tập trung trên các ứng dụng số nhằm tới thị trường khách quốc tế mục tiêu.

Hà Nội lần đầu được vinh danh điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á

Tại Lễ trao giải khu vực châu Á và châu Đại Dương của World Travel Awards 2022 (Giải thưởng Du lịch Thế giới) diễn ra mới đây, Thủ đô Hà Nội lần đầu tiên chiến thắng ở hạng mục Asia's Leading City Break Destination (Điểm đến thành phố hàng đầu châu Á về du lịch ngắn ngày), vượt qua rất nhiều đề cử khác như Bangkok (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia), Kyoto (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc).

Năm nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam đạt danh hiệu Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2022. Cùng với đó, TP.HCM cũng thắng giải “Điểm đến du lịch doanh nhân hàng đầu châu Á 2022”. Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á - 2022”. Đà Nẵng đạt danh hiệu “Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á - 2022”. Mộc Châu lần đầu tiên đạt giải “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á - 2022”.

Lan Anh

Xem thêm

Liên kết