Bình Thuận quyết đưa Khu du lịch Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Thuận tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đặt quyết tâm đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.
Bình Thuận hưởng ứng chiến dịch “Hãy làm sạch biển – Tử tế với đại dương”Bình Thuận: Thị trường bất động sản diễn biến bất thườngGiải pháp nào để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng

Tối 30/8, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), nhằm ôn lại quá trình phát triển, giới thiệu những tiềm năng, thành tựu nổi bật qua 30 năm tái lập tỉnh và triển khai những kế hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận trong thời sắp tới.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ dành lời khen cho Bình Thuận vì đã biết tận dụng các tiềm năng sẵn có tại địa phương, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy việc phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng thành công hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.

Bình Thuận quyết đưa Khu du lịch Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực - Ảnh 1
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm tái lập tỉnh. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Bình Thuận đã có một sự phát triển vượt bậc, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển giữa các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung. Nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Trước đây, Bình Thuận từng là một tỉnh rất khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, nắng hạn, tỷ lệ hộ nghèo đói được thống kê vào năm 1992 chiếm hơn 32,4%.

Nhưng cho đến hiện tại, toàn địa phương đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,15% (tính đến năm 2021), đời sống của người dân (bao gồm cả dân tộc thiểu số, gia đình có công với cách mạng) đều được chăm lo tốt hơn. Đối với các hộ gia đình trước kia khó khăn nay đã vươn lên khá giả, làm giàu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi bật, tỉnh Bình Thuận vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa được tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn lực phát triển, nhất là về hạ tầng ngành y tế, giáo dục. Hoạt động liên kết giữa các vùng, nội tỉnh còn mang nhiều hạn chế.

Về vấn đề thi công thực hiện xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cũng rất chậm. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa có sự đột phá; các chỉ số về cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chuyển đổi số còn khiêm tốn.

Ngoài ra, địa phương vẫn chưa giải quyết triệt để, còn tồn tại tình trạng vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước đến mức phải thực hiện xem xét, xử lý lại,…

Chú trọng phát triển ngành du lịch

Từ những hạn chế đã nêu ra, Thủ tướng gợi ý tỉnh Bình Thuận cần phải chú tâm nhiều hơn trong công tác quản lý: “ Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.”

Khi bàn về những định hướng phát triển sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận hết sức tập trung để phát triển ngành du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Quyết tâm đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu trong khu vực.

Bình Thuận quyết đưa Khu du lịch Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực - Ảnh 2
Làng chài Mũi Né là một trong những địa điểm thu hút lượng khách du lịch đông đảo khi đến với Bình Thuận. (Ảnh minh hoạ)

Đồng thời, đặt mục tiêu đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia qua việc thực hiện kế hoạch khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Nhất là năng lượng điện gió ngoài khơi, điện mặt trời hợp lý, điện khí LNG và năng lượng Hydrogen.

Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng cần tích cực chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp", nông nghiệp sản xuất lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu, chế biến sâu, vươn ra thị trường quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm mang tính chất lợi thế của địa phương.

Tỉnh cũng phải khẩn trương xây dựng bản quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định rõ cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, phát huy hiệu quả hơn vị trí địa lý thuận lợi do sát vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Huỳnh Mai