WHO đưa ra hướng dẫn mới về đánh giá chất lượng không khí toàn cầu

WHO vừa đưa ra hướng dẫn mới về đánh giá chất lượng không khí toàn cầu (AQG) với nhiều khuyến nghị nhằm "cứu hàng triệu sinh mạng khỏi ô nhiễm hàng năm".
Thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng không khí Hà Nội trong tuần quaChất lượng không khí ngày cuối tuần 'rất xấu' bao trùm Thủ đô Hà NộiHà Nội triển khai các biện pháp cải thiện Chỉ số chất lượng không khí

Trong tuyên bố mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức này đã đưa ra những bằng chứng để nhấn mạnh các thiệt hại mà ô nhiễm không khí gây ra đối với sức khỏe con người. Ô nhiễm không khí ở nồng độ thậm chí còn thấp hơn những gì mà chúng ta biết trước đây vẫn có tác động nguy hiểm.

Kể từ bản cập nhật toàn cầu năm 2005 cuối cùng của WHO, đã có sự gia tăng đáng kể bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của sức khỏe con người như thế nào. Vì lý do đó, sau khi xem xét có hệ thống các bằng chứng tích lũy được, WHO đã điều chỉnh hầu hết các mức AQG xuống mức thấp hơn tiêu chuẩn cũ. WHO cảnh báo rằng việc vượt quá mức hướng dẫn về chất lượng không khí mới có liên quan đến những rủi ro đáng kể đối với sức khỏe. Tuy nhiên, đồng thời, việc tuân theo chúng có thể cứu sống hàng triệu người.

WHO đưa ra hướng dẫn mới về đánh giá chất lượng không khí toàn cầu - Ảnh 1
Tháp Eiffel được bao quanh bởi bụi mịn tạo nên cảnh tượng mờ ảo ở Paris, Pháp, ngày 9/12/2016 khi Kinh đô Ánh sáng trải qua đợt ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong một thập kỷ. (Ảnh Reuters)

Theo WHO, hàng năm, việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí sẽ gây ra 7 triệu ca tử vong sớm và làm mất đi hàng triệu năm sống khỏe mạnh của con người. Ở trẻ em, ô nhiễm có thể làm giảm sự phát triển và chức năng của phổi, nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Ở người lớn, bệnh thiếu máu cơ tim và đột quỵ - là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong sớm do ô nhiễm không khí ngoài trời.

Những bằng chứng cũng cho thấy, ô nhiễm không khí đang có tác động đáng kể tới người bị bệnh tiểu đường và người gặp các vấn đề về thoái hóa thần kinh. Điều này đặt gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí ngang bằng với các nguy cơ sức khỏe toàn cầu khác như chế độ ăn uống không lành mạnh và hút thuốc lá.

WHO nhấn mạnh, ô nhiễm không khí là một trong những mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người, cùng với biến đổi khí hậu. Cải thiện chất lượng không khí có thể tăng cường các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ sức khỏe con người một cách hiệu quả.

Hướng dẫn mới của WHO khuyến nghị mức chất lượng không khí đối với 6 chất ô nhiễm, trong đó bằng chứng cho thấy nhiều nhất về ảnh hưởng sức khỏe do phơi nhiễm. 6 chất bao gồm bụi mịn (PM), ôzôn (O₃), nitơ điôxít (NO₂) lưu huỳnh điôxít (SO₂) và cacbon monoxit (CO), được cho là có tác động đến các chất ô nhiễm gây hại khác.

Các rủi ro sức khỏe liên quan đến bụi mịn có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 10 và 2,5 micromet (µm) ( tương ứng là PM₁₀ và PM₂ . ₅) có liên quan cụ thể đến sức khỏe cộng đồng. Cả PM₂ . ₅ và PM₁₀ có khả năng xâm nhập sâu vào phổi nhưng PM₂ . ₅ thậm chí có thể đi vào máu, chủ yếu gây ra các tác động đến tim mạch và hô hấp, cũng như các cơ quan khác. PM chủ yếu được tạo ra bởi quá trình đốt cháy nhiên liệu trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm vận tải, năng lượng, hộ gia đình, công nghiệp và nông nghiệp. Năm 2013, ô nhiễm không khí ngoài trời và các vật chất dạng hạt được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của WHO phân loại là chất gây ung thư.

WHO đưa ra hướng dẫn mới về đánh giá chất lượng không khí toàn cầu - Ảnh 2
“Ô nhiễm không khí là một mối đe dọa đối với sức khỏe ở tất cả các quốc gia, nhưng nó ảnh hưởng nặng nề nhất đến người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Trong Hướng dẫn Chất lượng Không khí mới, WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia và tất cả những người đang chiến đấu bảo vệ môi trường của chúng ta hãy đưa chúng (những tiêu chuẩn mới) vào sử dụng để giảm bớt đau khổ và cứu sống sinh mạng hàng triệu người.

Không khí sạch phải là quyền cơ bản của con người

Sự chênh lệch về mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt khi các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang phải trải qua mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa quy mô lớn và phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

“Hàng năm, WHO ước tính có hàng triệu ca tử vong do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, chủ yếu do các bệnh không lây nhiễm. Không khí sạch phải là quyền cơ bản của con người, là điều kiện cần thiết cho một xã hội lành mạnh và hiệu quả. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực cải thiện về chất lượng không khí trong ba thập kỷ qua, hàng triệu người vẫn tiếp tục chết sớm, thường đến từ những nhóm dân cư dễ bị tổn thương và bị gạt ra ngoài lề nhất”, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, Tiến sĩ Hans Henri P. Kluge cho biết.

“Chúng tôi biết tầm quan trọng của vấn đề và chúng tôi biết cách giải quyết nó. Những hướng dẫn cập nhật này cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách bằng chứng chắc chắn và là công cụ cần thiết để giải quyết gánh nặng sức khỏe lâu dài này ”, ông Kluge nói thêm.

Càng tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe càng lớn, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh mãn tính (như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh tim), cũng như người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Vào năm 2019, hơn 90% dân số toàn cầu sống ở những khu vực có nồng độ vượt quá hướng dẫn về chất lượng không khí năm 2005 của WHO về phơi nhiễm lâu dài với bụi mịn. Các quốc gia có chính sách cải thiện mạnh mẽ về chất lượng không khí thường thấy ô nhiễm không khí giảm rõ rệt, trong khi sự suy giảm trong 30 năm qua ít được chú ý hơn ở các khu vực có chất lượng không khí vốn đã tốt.

Khuyến nghị

Theo WHO, mục tiêu của hướng dẫn này là để tất cả các quốc gia đạt được mức chất lượng không khí khuyến nghị. Ý thức được rằng đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều quốc gia và khu vực đang phải vật lộn với mức độ ô nhiễm không khí cao, WHO đã đề xuất các mục tiêu tạm thời nhằm tạo điều kiện cải thiện từng bước chất lượng không khí và từ đó mang lại lợi ích sức khỏe dần dần nhưng có ý nghĩa cho người dân.

Gần 80% trường hợp tử vong liên quan đến bụi mịn có thể tránh được trên thế giới nếu mức độ ô nhiễm không khí hiện tại được giảm xuống mức được đề xuất. Đồng thời, việc đạt được các mục tiêu tạm thời sẽ giúp giảm gánh nặng bệnh tật, trong đó lợi ích lớn nhất sẽ được quan sát thấy ở các nước có nồng độ hạt mịn (PM₂ . ₅) cao và dân số lớn.

Huệ Đỗ