WWF: Diện tích rừng biến mất trong thập kỷ qua lớn hơn cả nước Đức

Những diện tích rừng rất lớn đang tiếp tục bị tàn phá hằng năm, chủ yếu phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Những khu vực đa dạng sinh thái đã bị phát quang để lấy chỗ canh tác và chăn nuôi.
Nghiên cứu cơ chế tỉnh nào thải nhiều CO2 phải mua chỉ số môi trường rừngThủ tướng yêu cầu xử nghiêm hành vi phá rừng tự nhiên, không có vùng cấmGia Lai quyết chuyển đổi 174 ha đất rừng làm sân golf?

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) ngày 12/1 cho biết hơn 43 triệu ha rừng - tức rộng hơn diện tích nước Đức - đã biến mất chỉ trong một thập kỷ qua, và đây chỉ là số liệu ghi nhận ở một số điểm nóng chặt phá rừng.

Những diện tích rừng rất lớn đang tiếp tục bị tàn phá hằng năm, chủ yếu phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Những khu vực đa dạng sinh thái đã bị phát quang để lấy chỗ canh tác và chăn nuôi.

tm-img-alt
Diện tích rừng bị chặt, đốt phá để làm nông nghiệp tại Rondonia, Brazil. (Ảnh: AFP)

Dữ liệu của WWF cho thấy chỉ 29 điểm nóng tại Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á đã chiếm 50% tổng diện tích rừng bị tàn phá trên toàn cầu. Trong đó, các vùng rừng Amazon và Cerrado thuộc Brazil, vùng rừng Amazon thuộc Bolivia, rừng ở các nước Paraguay, Argentina, Madagascar, Malaysia, hay khu vực Sumatra và Borneo ở Indonesia là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn phá rừng.

Năm 2019, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã đưa ra báo cáo quan trọng chỉ ra một loạt hậu quả của việc phát quang rừng lấy đất sử dụng.

Trong khi đó, Ủy ban Liên hợp quốc về đa dạng sinh học nêu rõ 75% tổng diện tích đất trên toàn cầu bị thoái hóa nghiêm trọng do hoạt động của con người.

WWF kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh sử dụng các sản phẩm liên quan đến phá rừng và hối thúc chính quyền các nước đảm bảo quyền và lợi ích của người dân bản địa, cũng như bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học.

Trưởng nhóm nghiên cứu rừng của Liên hợp quốc Fran Raymond Price cho biết nạn phá rừng có thể có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm từ động vật giống như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo bà Price, khi rừng bị thu hẹp, các loài động vật hoang dã có xu hướng tìm kiếm không gian sinh tồn mới. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện các căn bệnh truyền nhiễm mới, nhất là tại các khu rừng nhiệt đới đang bị phá hủy nghiêm trọng.

Rừng đóng vai trò như "lá phổi xanh" của Trái Đất, trong đó đất và các thảm thực vật hấp thu khoảng 1/3 lượng khí thải CO2. Tuy nhiên, nạn phá rừng hiện nay đang đe dọa nghiêm trọng sự đa dạng sinh học của Trái Đất.

Bích Liên
Theo Vietnamplus/TTXVN

Xem thêm

Liên kết