Việt Nam phát huy thế mạnh về năng lượng mặt trời

Chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng và thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường.
Nhà máy địa nhiệt với nguồn năng lượng từ siêu núi lửa YellowstoneAustralia phát triển dự án năng lượng sạch lớn nhất thế giớiKhủng hoảng khí đốt ở châu Âu báo động về việc đầu tư năng lượng tái tạo

Việt Nam có tổ hợp năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á

Tập đoàn Trung Nam cùng các cơ quan Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tổ chức khánh thành nhà máy điện gió tại huyện Thuận Bắc. Việc hoàn thành dự án điện gió kết hợp với dự án điện mặt trời khai thác trước đó giúp tổ hợp này có tổng công suất trên 350 MWp.

Dự án đưa tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và dự án trở thành tổ hợp năng lượng lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Việt Nam phát huy thế mạnh về năng lượng mặt trời - Ảnh 1
Việt Nam có tổ hợp năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, Ninh Thuận là tỉnh có tiềm năng về gió với 14 vùng, trên tổng diện tích khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, ở Ninh Thuận ít có bão và lượng gió đều đặn suốt 10 tháng/năm, bảo đảm cho tuabin gió phát điện ổn định.

Ngoài ra, Ninh Thuận còn có điều kiện tiếp nhận một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình 2.837,8 giờ/năm, cao nhất trên cả nước. Sự chênh lệch về bức xạ mặt trời giữa các mùa trong năm không cao, cũng là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời.

Theo đánh giá của chủ đầu tư, khó khăn để hoàn thành một dự án điện gió, nhà đầu tư phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, sử dụng lực lượng lao động lớn, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trên thế giới.

Đồng thời, các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển đều ở các vùng có điều kiện khí hậu, địa hình phức tạp khiến nhà đầu tư tốn nhiều nhân lực cũng như thời gian thi công, rất khó có thể đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Dự án nhà máy điện gió có tổng công suất 48 MW, sản lượng khai thác đạt 134 triệu kWh. Ngoài ra còn có các trạm biến áp kết nối với trạm 220 kV Tháp Chàm để hòa vào lưới điện quốc gia.

Về quy mô, tổng diện tích vùng dự án tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo có diện tích 900 ha, trong đó trang trại điện gió có tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng, trang trại điện mặt trời có tổng vốn đầu tư 6.000 tỉ đồng, có quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.

Tổng sản lượng khai thác hằng năm của tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo đạt 950 triệu kWh - 1 tỉ kWh điện mỗi năm.

“Cường quốc năng lượng xanh” ở châu Á

Trang tin công nghệ Techwire Asia có trụ sở tại Malaysia nhận định, Việt Nam đã cho thế giới thấy khả năng thúc đẩy các giải pháp năng lượng sạch, với công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, cam kết của Chính phủ về thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về chất lượng không khí.

Theo Techwire Asia, Việt Nam nhận thấy việc chuyển đổi sang năng lượng xanh cấp bách hơn bao giờ hết. Là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam đã chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đặc biệt là khi áp dụng điện mặt trời.

Việt Nam phát huy thế mạnh về năng lượng mặt trời - Ảnh 2
Chuyển đổi sang năng lượng xanh cấp bách hơn bao giờ hết. (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất Đông Nam Á, tạo ra 16.500 MW vào cuối năm 2020. Thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cho thấy tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.

Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.

Các chuyên gia thị trường dự đoán nếu tiếp tục duy trì tốc độ mở rộng năng lượng tái tạo nhanh như 2 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục vươn cao hơn nữa trong bảng xếp hạng, có khả năng vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về phát triển năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Việt Nam là nước tiêu thụ điện lớn thứ hai ở Đông Nam Á. Đây là một trong những khu vực có nhu cầu năng lượng tăng nhanh nhất trên thế giới và trong 20 năm qua, nhu cầu tăng ở mức ổn định 6%/năm. Bốn nước tiêu thụ điện lớn nhất là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, chiếm hơn 80% tổng nhu cầu trong khu vực.

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết thúc đẩy cung cấp năng lượng và nhu cầu mạnh mẽ về cải thiện chất lượng không khí là những động lực cơ bản quan trọng trong hướng đi này. Các quy định và chính sách hỗ trợ được thiết kế và thực thi tốt như thuế nhập khẩu (FiT), ưu đãi thuế và miễn tiền thuế đất cũng được coi là những yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Báo cáo của IEA khẳng định, nhu cầu của cộng đồng về bảo vệ môi trường là động lực quan trọng thứ hai. Các chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư và tài chính năng lượng tái tạo do có nhiều cơ hội về năng lượng xanh.

Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể đặt mục tiêu cao hơn nữa đối với dự thảo Quy hoạch điện 8 khá tham vọng hiện nay. Công ty này nhấn mạnh một lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo có thể mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam như tiết kiệm 10% chi phí điện năng tổng thể, cắt giảm phát thải khí nhà kính 1,1 GT.

Việt Nam - hình mẫu phát triển năng lượng tái tạo tại ASEAN

Kết quả một nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia (chủ trì), Trung tâm Năng lượng ASEAN, Viện Ngoại giao Na Uy và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió.

Việt Nam phát huy thế mạnh về năng lượng mặt trời - Ảnh 3
Việt Nam phát huy năng lượng điện gió. (Ảnh minh họa)

Theo đó, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600 MW.

Nếu chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam đã lắp đặt hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9,5 TWh năm 2020, tức là tăng gần 200%. Với mức tăng này của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại ASEAN, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã vượt xa các nước này trong việc khai thác điện mặt trời và điện gió.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu các quốc gia đang phát triển có chính sách và cơ chế tài chính phù hợp thì có thể phát triển nhanh các dạng năng lượng tái tạo. Chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng sẽ giúp hạn chế được một số khó khăn như quá tải của lưới điện.

6 bài học đúc kết từ trường hợp Việt Nam

Tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, từ trường hợp của Việt Nam có thể rút ra 6 bài học giúp các nước ASEAN tận dụng tối đa lợi thế thiên nhiên để phát triển điện mặt trời và điện gió.

Thứ nhất là cần có cam kết của các nhà lãnh đạo và sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng từ đó đưa ra nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển điện gió và điện mặt trời.

Thứ hai là mức mua giá điện từ nhà sản xuất năng lượng tái tạo (FITs) cao sẽ là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng mới.

Thứ ba là Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất miễn giảm thuế thuê đất đối với các doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo nên đã tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư và tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo.

Thứ tư là khác với các nước trong khu vực, Việt Nam khá thận trọng với việc áp dụng hình thức đấu thầu.

Thứ năm là Việt Nam có môi trường đầu tư khá thuận lợi cho các dự án năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, nếu so với Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam là quốc gia có mức trợ giá thấp nhất đối với nhiên liệu hóa thạch.

Nguyễn Linh (T/h)

Xem thêm

Liên kết