Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam đa dạng

Kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì là điểm sáng tăng trưởng, dù có nhiều thách thức nhưng vẫn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao.
Công nghiệp Việt trở thành “bến đỗ” cho nhà đầu tư ngoạiĐầu tư, tái tạo du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững toàn cầuĐầu tư quy mô lớn, phát triển sân bay Nội Bài xứng tầm Thủ đô

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài

Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đánh giá, dù đối mặt các bất ổn bên ngoài, nhưng nhờ môi trường trong nước thuận lợi, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,8% trong 9 tháng đầu năm và được kỳ vọng tăng trưởng trên 6% trong năm 2023 và 2024.

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng qua ước đạt gần 19,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động.

Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam rất đa dạng - Ảnh 1
Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động. (Ảnh: Internet)

Nhận thấy sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp tại Việt Nam, Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng đã đầu tư nhà máy sản xuất băng dính công nghiệp cho ô tô, các thiệt bị điện tử. Với công suất khoảng 40 triệu m2 băng dính mỗi năm, doanh nghiệp kỳ vọng tạo nguồn cung đáng kể cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Chia sẻ của ông Dirk Hartmann, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng: "Khi cân nhắc lựa chọn đặt nhà máy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định. Rất nhiều đối tác, khách hàng của chúng tôi đã hoạt động ở Việt Nam, nên khi đặt nhà máy tại Hải Phòng cũng giúp chúng tôi thuận lợi trong giao thương, vận chuyển hàng hóa".

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng cho hay, 42% số người tham gia khảo sát dự đoán rằng công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm nay.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng: "Thời gian tới, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam rất đa dạng, tập trung vào sản xuất chế biến, chế tạo. Đây là xu hướng các tập đoàn đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam cũng là điểm đến các tập đoàn đầu tư của châu Âu đang cân nhắc trong khu vực châu Á. Thứ hai là xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi". A

Điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp Hàn Quốc

Không chỉ các doanh nghiệp châu Âu quan tâm mở rộng hoạt động, Việt Nam còn đang là điểm đến hứa hẹn của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông Phạm Ngọc Huy, Tổng Giám đốc, Quỹ đầu tư Lotte Ventures Việt Nam cho biết: "Họ muốn thấy ở Việt Nam xuất hiện những dự án dẫn dắt xu hướng mới từ nước ngoài vào Việt Nam. Các dự án của Việt Nam phải chứng minh được họ hiểu mô hình trên thế giới cũng như am hiểu thị trường Việt Nam, từ đó tạo ra mô hình vừa vặn với thị trường của chúng ta".

Bà Đặng Hồng Ngọc, Giám đốc hợp tác quốc tế, Công ty Cổ phần Xúc tiến và Hợp tác đầu tư IPA VIETNAM thông tin: "Trong 11 tháng năm 2022, FDI Hàn Quốc tại Việt Nam đạt trên 4,1 tỷ USD tổng vốn đăng ký đầu tư, với 375 dự án cấp mới, 330 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Vốn FDI Hàn Quốc tại Việt Nam gần đây đang chuyển dịch sang các lĩnh vực như kinh tế số, công nghệ sinh học, R&D, nghiên cứu phát triển, đặc biệt là công nghệ tài chính".

Cùng với vốn đăng ký mới, trong 11 tháng qua có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được củng cố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Dưới tác động của các nhân tố quan trọng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng, nhất là xung đột Nga - Ukraine, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu có nhiều thay đổi. Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.

Huyền Diệu

Xem thêm

Liên kết