Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành, UBND TP.Hà Nội. Đến nay, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 7/9 bộ và Hà Nội. Theo đó, Hà Nội cơ bản thống nhất với phương án quy hoạch phát triển Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài với quy mô công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Theo quy hoạch mà tư vấn đưa ra, giai đoạn đến năm 2030, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có 3 đường cất hạ cánh, 3 nhà ga hành khách (trong đó mở rộng nhà ga hàng khách T2 hiện hữu để hệ thống nhà ga T1+T2 đạt công suất tổng công suất 30-40 triệu hành khách/năm; xây mới nhà ga hành khách T3 phía Nam đạt công suất 30 triệu hành khách/năm).
Đến năm 2050 xây dựng 4 đường cất hạ cánh và xây mới thêm 1 đường cất hạ cánh phía Nam, 4 nhà ga hành khách. Hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay được xây dựng đồng bộ.
Được biết, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được quy hoạch là sân bay dùng chung dân dụng - quân sự, đạt cấp 4F theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), có thể khai thác các loại tàu bay lớn nhất hiện tại như B777-X, B747-8, B777-300ER và A380. Cụ thể, đến năm 2030, sân bay Nội Bài có thể đạt công suất 63 triệu khách/năm và 2 triệu tấn hàng hóa/năm. Con số này sẽ tăng lên 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa vào năm 2050.
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được xác định là cảng hàng không trọng yếu của quốc gia. Đây là trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất phía Bắc, cùng với Cảng Hàng không Long Thành là 2 trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất trong việc mở rộng cảng hàng không là giải phóng mặt bằng.
Theo Bộ GTVT, hiện nay Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có 2 nhà ga hành khách công suất khai thác đạt 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 là 15 triệu khách/năm, nhà ga T2 là 10 triệu khách/năm). Nhà ga hàng hóa công suất 403.000 tấn hàng hóa/năm.
Tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách giai đoạn 2010-2019 trung bình khoảng 13,4%, vận tải hàng hóa trung bình khoảng 14,5%. Năm 2019 phục vụ hơn 29 triệu lượt hành khách, 695.325 tấn hàng hóa. Nhà ga đã có dấu hiệu quá tải, một số công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đã hư hỏng.
“Tư vấn ADPi của Pháp, một trong những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới, là đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch. ADPi đã bắt đầu thực hiện xây dựng quy hoạch từ tháng 6/2019. Đến cuối năm 2020, tư vấn ADPi đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ”, ông Thắng cho biết.
Theo nhận định của Phó Thủ tướng, sân bay Nội Bài phải được đầu tư hiện đại với quy mô lớn, tầm cỡ, xứng tầm thủ đô Hà Nội và thể hiện vị thế đất nước. Khẳng định đây là công trình lớn, ông Thành yêu cầu mỗi khâu, mỗi giai đoạn phải đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, vì nếu chủ trương tốt mà làm không chặt chẽ, không tới nơi tới chốn thì dễ thất bại. Các bộ, ngành được giao phối hợp với địa phương, thống nhất phương án về vị trí và diện tích mở rộng; sớm hoàn thiện phê duyệt quy hoạch mở rộng sân bay, sau đó lập chủ trương đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản gửi Bộ GTVT thông tin về tình hình điều chỉnh quy hoạch cục bộ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài để xây dựng nhà để xe tại khu 1,3ha. Đây là khu đất dự trữ phát triển trong quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020.
Theo báo cáo, tại một số khung thời gian, lượng hành khách tăng đột biến, vượt qua thời điểm năm 2019 (thời điểm trước khi dịch COVID-19) dẫn đến tình trạng quá tải từ Nhà ga hành khách đến sân đỗ ô tô tại sân bay Nội Bài.
Bãi đỗ ô tô trước Nhà ga hành khách T1 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ từ vị trí đỗ xe đến khu vực trạm thu phí, do lượng xe đến và đi vượt quá năng lực phục vụ của bãi đỗ xe. Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã thông báo và khuyến cáo về việc hành khách hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trong quá trình đi, đến sân bay. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc cục bộ chưa cải thiện được nhiều.
Qua đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất để giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ tại bãi đỗ xe trước Nhà ga hành khách T1, cần thiết phải xem xét, bổ sung thêm bãi đỗ xe khu vực lân cận để giảm tải cho bãi đỗ xe trước nhà ga hành khách T1. Chưa kể, khu đất 1,3ha đã được giải phóng mặt bằng. Vị trí khu đất khá gần với Nhà ga hành khách T1 nên có thể xem xét việc điều chỉnh quy hoạch thành khu vực xây dựng nhà để xe của sân bay.
Nhiều địa phương có nhu cầu nâng cấp, xây dựng sân bay
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, thời kỳ 2021-2030 dự kiến có 28 cảng hàng không (trong đó có 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không quốc nội); tầm nhìn đến năm 2050 gồm 31 cảng hàng không (14 cảng hàng không quốc tế, 17 cảng hàng không quốc nội).
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, khẳng định đầu tư xây dựng sân bay sẽ tạo độc lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, nên việc mở rộng, xây mới sân bay rất cần thiết với các địa phương.
Phó Thủ tướng giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT khẩn trương lập dự án đầu tư để báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Với các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án như sân bay Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Lai Châu, Phan Thiết (Bình Thuận), Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Lan Anh