Theo tìm hiểu, dự án tòa nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Phát triển đô thị và Xây dựng 379 cùng Công ty Cổ phần Công nghiệp Hàn Việt Nam làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào tháng 9/2018, dự kiến bàn giao vào quý IV/2020.
Dự án được giới thiệu có vị trí đắc địa, nằm sát mặt đường Ngọc Hồi, tiếp giáp giao thông của nhiều tuyến đường quốc lộ lớn vào trung tâm Thủ đô. Cùng với đó, chủ đầu tư cũng quảng cáo dự án này được hưởng nhiều cơ sở hạ tầng có sẵn từ các dự án lớn trước cùng nhiều tiện nghi ngay trong toà nhà, đảm bảo cuộc sống xanh sạch - tiện ích cho các hộ gia đình.
Được biết, đây là công trình được đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) có tổng diện tích 6.088m2, quy mô 27 tầng và 2 tầng hầm. Hiện nay, dự án mới chỉ được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép thi công giai đoạn 1 phần ngầm theo quyết định số 80/GPXD ngày 17/9/2018.
Mặc dù vậy, đến thời điểm này, khi chưa hoàn thiện phần ngầm công trình và chưa được Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng phần thân toà nhà. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, việc rao bán, nhận cọc căn hộ và thực hiện giao dịch ký Hợp đồng mua bán với khách hàng đã diễn ra khá "rầm rộ" không đúng với quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở.
Dự án Athena Complex Pháp Vân đang trong quá trình thi công. |
Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Kinh tế Môi trường đã liên hệ với một nhân viên môi giới đang chào bán căn hộ tại dự án Athena Complex Pháp Vân và được người này cho biết: Dự án có tổng cộng 400 căn hộ, trong đó đa số các căn hộ đã được bán cho cán bộ, chiến sĩ công an, số ít còn lại là căn hộ thương mại. Khách hàng mua căn hộ Athena Complex Pháp Vân phải mua lại các suất của cán bộ, chiến sĩ công an và phải chịu giá chênh.
Theo đó, giá bán căn hộ tại đây được giao bán với giá từ 18-21 triệu/m2, tương đương từ 1,3 - 2 tỉ đồng tuỳ vào diện tích căn hộ. Giá bán thực tế này cao hơn nhiều so với giá bán trong Hợp đồng mua bán. Số tiền chênh từ 100-460 triệu đồng/căn được quy về khoản tiền "hệ số" và không hề có hoá đơn chứng từ gì.
Đơn cử như trường hợp căn hộ A404 có diện tích 92 m2 và giá bán là 2 tỉ đồng, tương đương giá bán thực tế là 21,8 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giá bán ghi trên Hợp đồng mua bán lại chỉ là 18 triệu đồng/m2, số tiền chênh lệch mà khách hàng phải thanh toán thêm là 349 triệu đồng.
Mặc dù là dự án nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. Nhưng căn cứ theo các đề xuất thực hiện dự án và quyết định chủ trương đầu tư, thì dự án có mục tiêu là giải quyết khó khăn về nhu cầu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, sử dụng quỹ đất có hiệu quả theo đúng quy hoạch của thành phố; phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đem lại thu nhập cho nhà đầu tư và nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Điều đáng nói, khi thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã đề xuất lên danh sách các cán bộ, nhân viên được bốc thăm căn hộ. Giá căn hộ tại đây đều được quy định rõ về các khoản thuế, phí nộp vào ngân sách.
Thế nhưng, ngay sau khi bốc thăm, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ không có nhu cầu ở nên đem bán ra ngoài thông qua các sàn môi giới. Và khi khách hàng có nhu cầu thì họ sẽ đặt tiền, sàn môi giới thu tiền và đứng ra bán nhà thay cho các cán bộ, nhân viên. Giá bán các căn hộ thực tế luôn cao hơn giá bán trên hợp đồng.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, việc lấy danh sách đối tượng do các chủ đầu tư đưa ra để xin chủ trương đầu tư có đúng không? Và những giao dịch chuyển nhượng giá chênh này sẽ được quản lý như thế nào? Có tạo nguồn thu về ngân sách nhà nước hay không? Hay đây chỉ là hình thức trục lợi của các đối tượng được mua nhà ở này (!?)
Xét ở khía cạnh chủ đầu tư, việc dự án gắn với những cái tên “nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ” có trở thành “lá bùa hộ mệnh” không? Thực tế ngoài dấu hiệu trốn thuế từ việc bán nhà giá chênh, có chủ đầu tư còn thực hiện tổ chức huy động vốn trái chủ trương đầu tư, trái quy định của pháp luật.
Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc… !