Âu lo ở làng chênh vênh bên mép sóng

Dọc bờ sóng dài hàng trăm mét ở làng biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị xâm thực nặng, nước ăn sâu vào đất liền. Vườn tược, nhà cửa của người dân cứ thế thu hẹp dần, ngày càng lùi sâu lại sau mỗi mùa mưa bão.
Không khí ở bờ biển rất trong lành?Bờ biển Quảng Nam đang bị xâm thực mạnhHàng nghìn lượt người khắc phục sạt lở bờ biển ở Thừa Thiên-Huế

Biển ngày càng gần hơn

Hơn 1 tháng qua, những cơn bão nối tiếp nhau chỉ trong thời gian ngắn ngắn dường như vắt kiệt sức lực người dân làng chài xã Bình Hải. Người mất nhà, kẻ mất đất, nhìn đâu cũng thấy cũng gương mặt lo toan bởi những cơn sóng vô tình. Ông Phạm Vinh, thôn An Cường, xã Bình Hải xót xa: Bão số 9, cả nhà chạy đi trú hết. Khi về thì thấy nhà vương đầy nước biển, căn bếp cũng bị cuốn trôi mất. Mấy tấm lưới, dàn đèn vừa mua để trong bếp cũng bị lôi đi.

“Ngay trước bão, tôi đã mua vật liệu về để gia cố phần móng nhà nằm sát biển nhưng cũng không ngăn nổi sức tàn phá của con sóng dữ. Mà sao năm nay triều cường về dồn dập thế, đêm cũng như ngày, sóng luôn vỗ ầm ào bên tai, lúc hiền lành, lúc hung tợn.”- ông Vinh rầu rĩ.

tm-img-alt
Sóng biển xâm thực" ngoạm" sâu vào móng nhà của người dân ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.

Không chỉ mình nhà của ông Vinh, mà hàng chục ngôi nhà khác trong cái xóm chài nghèo này đang nóng hổi với những câu chuyện liên quan tới triều cường. Đi đâu, làm gì họ cũng thăm nhau xung quanh câu chuyện thuyền bè, sóng gió, rằng nhà bà này sắp sập, vườn nhà ông kia lở gần hết… ai cũng dõi ánh mắt khắc khoải về phía triền sóng.

tm-img-alt
Biển chỉ còn cách nhà dân vài mét nước.

Bà Nguyễn Thị Luyến, thôn An Cường tay bế cháu, tay chỉ vào căn nhà của anh Huỳnh Xuân Quang ở gần bên. Ngôi nhà của anh Quang không hướng ra biển mà quay mặt vào đất liền và còn khá mới. Tuy nhiên vừa kéo nhẹ cánh cổng ra thì thấy bên trong toàn mảnh kính vỡ, gạch vỡ. Trải qua nhiều trận sóng lớn, phần sau nhà anh Quang bị lấn dần, sạt dần. Trận triều cường vào đêm 30/11 vừa rồi đã nuốt trọn các bức tường, quá nửa ngôi nhà trôi theo con sóng lớn. “Vợ chồng nó đi làm ăn hết nên không có ở nhà, chứ không thì…”, bà Luyến khẽ rùng mình, không dám nghĩ tiếp.

tm-img-alt
Những ngôi nhà tan hoang sau khi bị sóng đánh sập vào đêm ngày 30/11 vừa qua.

Mong ước an cư

Sự biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đi dọc làng chài Bình Hải, nhiều ngôi nhà xây nằm sát mép nước có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do triều cường đã khoét sâu vào nền móng. Cạnh đó, hàng dừa hàng chục năm tuổi cũng bị sóng lớn cào hết lớp đất phần gốc, trơ ra những bộ rễ. Chênh vênh trên đầu những con sóng, người dân làng chài chưa khi nào dám ngủ yên.

Lão ngư Trần Văn Vỹ, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải trầm ngâm kể, đêm qua sóng ập vào căn bếp, giờ mấy đứa nhỏ vẫn còn dọn dẹp trong đó. Từ tháng 11 giờ đã 3 lần rồi. Gia đình mới tốn mấy chục triệu sửa nhà sau bão số 9, tưởng yên mà cũng không yên.

tm-img-alt
Chênh vênh bên sóng, những ngôi nhà chực chờ bị sóng nuốt chửng.

“Biển ngày càng lấn sâu, sóng ngày càng lớn. Mới mười năm, mép nước còn cách các hộ dân ven biển cả trăm mét nhưng bây giờ thì sát rạt rồi. Cứ thế này thì chỉ nội năm nay thôi, chỗ nhà che mưa che nắng cho cả gia đình này cũng chẳng còn nữa”. – lão ngư bất lực nhìn theo những con sóng đang ì oạp vào bờ.

Để bảo vệ xóm làng, nhiều hộ dân tự bỏ tiền làm kè trước nhà mình nhưng chỉ một thời gian ngắn bị triều cường đánh sập.  Ước mong của người dân nơi này là địa phương sớm đầu tư xây dựng kè biển để bảo vệ nhà ở, đất ở để yên tâm, vươn khơi bám biển.

“Giờ hoặc là được bố trí nơi ở khác, hoặc là được đầu tư làm cái kè vững chãi. Mà kể ra, làm biển thì vẫn muốn ở đây thôi. Dân biển thì phải bám biển mới sống được ”. Nhìn lão ngư Trần Văn Vỹ thấy hình như có giọt nước trong mắt.

tm-img-alt
Lo sợ mất đất, mất nhà cửa, nhiều hộ gia đình khu vực này đã tự bỏ tiền làm kè.

Ông Phạm Cầu – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, khoảng 5 năm gần đây, biển đã lấn sâu vào đất liền khoảng 30m. Hiện nay, có khoảng 200 hộ dân ở 3 thôn gồm An Cường, Thanh Thủy, Phước Thiện nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đe dọa trực tiếp đến nơi ở. Nhiều nhà dân hư hỏng, mất an toàn không thể ở được. Người dân rất lo lắng mỗi khi có mưa bão. Chính quyền xã cũng đã đề xuất lên cấp trên để có chính sách cấp đất cho người dân đang nằm trong vùng nguy hiểm được xây nhà mới.

Theo (Lan Anh/TN&MT)