Đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực; bộ mặt nông thôn được thay đổi, nhiều địa phương đã hình thành các cụm dân cư "Sáng-Xanh-Sạch-Đẹp-An toàn" và các “miền quê đáng sống”.
Dù vậy, môi trường nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều bức xúc, đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước mắt và lâu dài, nhất là tình trạng lạm dụng hóa chất dùng trong nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, đòi hỏi phải có thêm những cái “bắt tay trách nhiệm” của các ngành để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân.
Vẫn còn "điểm nghẽn" tư duy về bảo vệ môi trường
Tại hội thảo “Tăng cường sự phối hợp giữa Hội nông dân các cấp và ngành tài nguyên và môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào trong cuộc sống” diễn ra sáng 21/12, ông Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết để phát triển bền vững, thời gian qua, Trung ương Hội đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu như mô hình “ba không trên đồng ruộng” tại Đà Nẵng; “thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại cánh đồng sản xuất nông nghiệp tập trung” ở Hải Phòng; mô hình chi hội nông dân “nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch” tại Đồng Tháp; mô hình “hàng cây nông dân” tại Lâm Đồng, Bắc Ninh…
Tuy vậy, ông Thào Xuân Sùng cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tham gia bảo vệ môi trường của các cấp hội còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là ý thức bảo vệ môi trường chưa thành thói quen, nếp sống của hội viên nông dân; thái độ, hành vi, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện môi trường còn phổ biến ở nhiều nơi; vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm của một bộ phận hội viên, nông dân đối với cộng đồng trong phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng khẳng định môi trường nông thôn hiện còn tồn tại nhiều bức xúc và sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn trước mắt và lâu dài do nhu cầu hàng hóa gia tăng, nên khu vực nông thôn bị gánh chịu nhiều hậu quả của tình trạng lạm dụng hóa chất dùng trong nông nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo thống kê, hoạt động nông nghiệp sử dụng hóa chất hàng năm vào khoảng 7,3 đến 8,6 triệu tấn/năm; thuốc bảo vệ thực vật khoảng 110.000-150.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn còn chịu tác động do ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi quy mô trang trại, quy mô nhỏ và phân tán; nuôi trồng thủy sản; hoạt động sinh hoạt với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 28.394 tấn/ngày,…
Đơn cử như tỉnh Hưng Yên, môi trường đồng ruộng đang bị ô nhiễm do tình trạng sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tràn lan. Theo tính toán của Hội Nông dân tỉnh, mỗi năm, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng lên tới hàng nghìn tấn.
Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, vẫn còn tình trạng chất thải sinh hoạt và chăn nuôi không hoặc ít được xử lý, thải thẳng ra môi trường, cống rãnh trong thôn xóm; nhiều thôn, xóm không có bãi rác hợp vệ sinh, thường đổ ra ao hồ, kênh mương, đường làng ngõ xóm trong dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
Cùng sức ép phát triển, tỉnh Hải Dương hiện cũng đang gặp không ít những khó khăn, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của tỉnh, nhất là việc thu gom và xử lý chất thải trong sinh hoạt sản xuất; tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp…
Hay như Bắc Ninh - tỉnh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước, những năm gần đây cũng đang chịu áp lực lớn bởi các hoạt động phát triển gây ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (năm 2019), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 870 tấn/ngày đêm và mỗi năm tăng thêm 10%; môi trường khu vực nông thôn chịu tác động của hoạt động chăn nuôi, lượng vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm giám sát của nông dân
Trước thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nhấn mạnh với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế bền vững, tại kỳ họp thứ 10 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trong đó, các chính sách về quản lý chất lượng môi trường, nhất là chính sách về bảo vệ môi trường nông thôn - nền tảng phát triển đã được quy định rất cụ thể.
Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có nhiều điểm đổi mới căn bản, bao gồm: Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 dành riêng một điều (Điều 58) quy định về bảo vệ môi trường nông thôn. Đây là điểm mới hoàn toàn so với Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong đó quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ có liên quan và Ủy ban Nhân dân các cấp trong bảo vệ môi trường nông thôn; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Hội Nông dân trong việc vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn,…
Cùng với các điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đại diện Hội Nông dân một số tỉnh như Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh và các nhà khoa học, chuyên gia môi trường, cho rằng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp và cán bộ, hội viên nông dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ môi trường, cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Hội Nông dân.
Theo đó, việc tăng cường này phải bằng hành động cụ thể, bằng những cái bắt tay trách nhiệm, trong đó cần có đội ngũ chuyên gia của Bộ xuống cơ sở (cấp tỉnh) đào tạo, trang bị kiến thức về môi trường và pháp luật cho từng Hội và các hội viên.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, nhấn mạnh để Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Hội Nông dân Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc huy động hội viên và nông dân tham gia bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, gìn giữ cảnh quan và phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị thời gian tới cần tăng cường phối hợp giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành tài nguyên và môi trường, Hội Nông dân ở Trung ương và địa phương, tổ chức triển khai Chương trình phối hợp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018-2023.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020; tiếp tục có tổng hợp, đề xuất với Chính phủ để ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường phù hợp với thực tế.
Hội Nông dân các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về môi trường trên địa bàn; tìm kiếm nguồn lực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu gom, lưu giữ hiệu quả bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (vấn đề vướng mắc hiện nay); tích cực tham gia xây dựng các mô hình Hội Nông dân tham gia thu gom, quản lý phù hợp, hiệu quả, bền vững để kiến nghị cho việc nhân rộng; phổ biến áp dụng các giải pháp, mô hình đã áp dụng thành công như đệm lót sinh học, biogas..