Sáng 19/6, Diễn đàn bất động sản công nghiệp lần thứ 2 với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Tạp chí Thương gia phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Nhiều vấn đề về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và phát triển bất động sản công nghiệp đã được phân tích tại diễn đàn này.
Các đại biểu đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và chuyên gia kinh tế khẳng định: Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ. Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nhiều nước trên thế giới. Cơ hội đã đến, vấn đề đặt ra là ai sẽ nắm bắt được cơ hội này?
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều triển vọng. |
Đối với nước ta hiện nay, việc cần thiết là phải nhận diện được cơ hội và thách thức, thu hút đầu tư nước ngoài phải có tính chọn lọc. Để đón được các nhà đầu tư có chất lượng cao, nước ta cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.
Hiện nay, mỗi khu công nghiệp, khi đã có quy hoạch, nhưng để được ra đời phải nhiều lần xin ý kiến các Bộ, ngành và lên đến Chính phủ đã mất nhiều thời gian, làm giảm yếu tố thị trường. Nhiều doanh nghiệp khi đã vào hoạt động, nhưng vẫn gặp những khó khăn về thủ tục hành chính và việc quản lý vận hành mang tính quy trình, cứng nhắc.
Ông Ngô Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Thiết kế và Xây dựng Giza Việt Nam cho biết, khó khăn của các nhà đầu tư khi vào Việt Nam ngay từ việc thành lập dự án đầu tư, tìm địa điểm đầu tư, làm thủ tục đầu tư và thủ tục xin cấp phép xây dựng, mất khá nhiều thời gian.
“Làm thế nào để doanh nghiệp rút ngắn được quy trình này khi đầu tư vào Việt Nam, từ đó có thể nhanh chóng được cấp chứng nhận đầu tư để đi vào xây dựng và hoạt động sản xuất là một việc rất quan trọng”, ông Tiệp nêu rõ.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều triển vọng và đang tỏa sức nóng, trở thành lựa chọn mới, đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Việc kiểm soát tốt dịch bên Covid-19 cùng với hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội là điểm đến đầu tư không chỉ với các nhà đầu tư châu Âu mà còn với các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác.
Bất động sản công nghiệp cũng đang tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... khi các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc từ đó các phân khúc này.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc kinh doanh, Quản lý hạ tầng Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, Hải Phòng cho biết, nếu như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện các dự án sản xuất tại Việt Nam, thì hiện nay, Việt Nam đón làn sóng nhà đầu tư công nghệ cao.
“Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thông qua hợp tác với doanh nghiệp bất động sản trong nước, ví dụ thông qua hình thức thuê lại đất và thực hiện tổng thể một dự án lớn, cho thuê nhà xưởng hoặc các nhà máy xây sẵn, hoặc thực hiện các lĩnh vực liên quan đến Logistic và công nghiệp phụ trợ”, ông Minh đánh giá.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn bất động công nghiệp lần thứ 2 đồng thuận nhận định, phát triển hệ thống khu công nghiệp thế hệ mới với những tiêu chí rõ ràng về môi trường, cơ sở hạ tầng, minh bạch về tài chính, tạo được một “hệ sinh thái” giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp đó là việc cần thiết trong tình hình hiện nay.
Đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư từ các nước đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao trong hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu như các nước châu Âu, việc đón các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn sẽ tạo thương hiệu, tạo cú hích và tận dụng chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới mang công nghệ cao, sử dụng ít đất mới là những đối tác chiến lược. Từ đó doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta có thể kết nối để trở thành đối tác và trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài.