Bí ẩn dòng tiền nghìn tỉ đổ vào AquaOne, một toan tính lợi ích 'khủng'?

Để vay hàng trăm tỉ đồng, Công ty cổ phần Nước AquaOne của Shark Liên đã đem thế chấp cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái, đặc biệt là Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Giữa lúc còn "nhùng nhằng" về quyết toán đầu tư nhà máy nước Sông Đuống và giá bán nước, liệu AquaOne có xoay sở được nguồn tiền đảm bảo trả nợ vay nghìn tỉ hay không?
Lãi suất vốn vay tính vào giá bán nước sạch sông Đuống đúng hay sai?Dân lo méo mặt vì giá nước, vợ chồng Shark Liên bắt tay thương vụ nghìn tỉSân tập golf trong Nhà máy nước mặt sông Đuống bất ngờ 'biến mất'

AquaOne thế chấp cổ phần vay nợ nghìn tỉ

Dư luận thời gian qua xôn xao về giá nước của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được tạm tính để bán cho TP Hà Nội là 10.246 đồng/m3, cao gấp đôi giá của nhà máy nước khác. Trong khi đó, giá mua nước này lại cao hơn giá bán lẻ cho người tiêu dùng, khiến Hà Nội có thể phải bù lỗ lớn. Một trong những nguyên nhân khiến giá thành nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống quá cao là do chi phí đầu tư xây dựng lớn lên tới 5.000 tỉ đồng, công nghệ hiện đại, đặc biệt là do chi phí tài chính quá lớn do Công ty cổ phần nước AquaOne đã vay hàng nghìn tỉ đồng.

Cụ thể, AquaOne do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã vay tới gần 4.000 tỉ đồng để đầu tư nhà máy. Số tiền vay này chiếm tới 80% tổng mức vốn đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Do vốn vay quá lớn đã đẩy chi phí lãi vay lên cao, chiếm khoảng 20% giá thành nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống, tức khoảng 2.100 đồng/m3.

Đáng nói hơn, để có được các khoản vay nghìn tỉ, AquaOne của Shark Liên đã đem thế chấp hàng chục triệu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái, đặc biệt là cổ phần của Nhà máy Nước mặt Sông Đuống làm tài sản đảm bảo cho nợ vay.

bi an dong tien nghin ti do vao aquaone mot toan tinh loi ich khung
Hàng chục triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống được AquaOne được thế chấp tại nhiều nơi để vay vốn.

Trong quá trình huy động vốn nghìn tỉ, AquaOne của Shark Liên đã gõ cửa vay vốn của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp và sử dụng chính cổ phần của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Theo dữ liệu từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), căn cứ Hợp đồng số 136/2018/HĐCC/IVBTL-AQO –SĐ được ký ngày 12/9/2018, Ngân hàng TNHH Indovina - chi nhánh Thiên Long (36 phố Hoàng Cầu, P. Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) nhận bảo đảm quyền sở hữu 11.977.438 cổ phần phổ thông của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống thuộc sở hữu của Công ty cổ phần AquaOne. Giá trị của số cổ phần này được định giá là 118,325 tỉ đồng. Tức mỗi cổ phần của Nước mặt Sông Đuống được định giá thế chấp bình quân là khoảng 9.850 đồng/CP.

Thông qua hợp đồng này, Ngân hàng Indovina sẽ cấp khoản tín dụng 590 tỉ đồng cho AquaOne vay vốn.

Đến ngày 31/1/2019, AquaOne đã tăng số lượng cổ phiếu thế chấp tại đây lên 24.877.438 cổ phần với giá trị định giá là 245,764 tỉ đồng, tương ứng mỗi cổ phần được thế chấp là khoảng 9.880 đồng/CP.

Nhưng đầu tháng 9/2019, AquaOne chỉ còn thế chấp 20.890.664 cổ phần, giá trị định giá tài sản đảm bảo cũng giảm tương ứng còn 206,378 tỉ đồng.

Trên thực tế, việc thế chấp cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp tại ngân hàng để vay vốn đầu tư, kinh doanh là hoạt động bình thường của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp và ngân hàng cho vay phải tuân thủ đúng các quy định về Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp cũng như các quy định liên quan về thẩm định, định giá tài sản thế chấp. Trường hợp xảy ra vi phạm định giá cao hơn giá trị thực tế, tức "thổi giá" tài sản để "rút ruột" vốn ngân hàng thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngân hàng Indovina.

Theo quy định, ngân hàng nhận thế chấp tài sản khoản vay bằng cổ phiếu thường đi kèm với tài sản bất động sản, nguồn thu từ dự án được hình thành từ vốn vay... để đảm bảo khả năng thu hồi vốn, hạn chế rủi ro nợ xấu mất vốn. Bởi giá trị cổ phần, cổ phiếu có thể tăng, giảm theo thị trường khiến cho giá trị tài sản đảm bảo bằng giấy tờ có giá này sẽ thay đổi tương ứng. Trong trường hợp Ngân hàng Indovina nhận cầm cố cổ phiếu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống sẽ đối mặt với rủi ro tài sản cổ phiếu có thể "bốc hơi" theo thị trường, không đủ đảm bảo nợ vay và đòi hỏi bên vay - AquaOne phải bổ sung tài sản đảm bảo khác theo đúng quy định.

Hơn nữa, giá trị tài sản đảm bảo là cổ phần Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống được Ngân hàng Indovia thẩm định, ghi nhận định giá là 9.850 - 9.880 đồng/CP và được duyệt hạn mức vay 590 tỉ đồng. Thời điểm phê duyệt cho vay năm 2018, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên cơ sở nào để định giá tài sản cổ phần này là điều khó hiểu?

Được biết, AquaOne còn cầm cố 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống tại Công ty cổ phần quản lý quỹ Sài Gòn (viết tắt là SSC, địa chỉ tại tầng 9, số 2A Đại Cồ Việt, P. Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội) để vay vốn theo hợp đồng ký ngày 15/10/2018. Giá trị cổ phần tính theo mệnh giá là 200 tỉ đồng.

Như vậy, AquaOne là cổ đông lớn nhất sở hữu 51% cổ phần Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống, đã đem thế chấp tổng số 40,9 triệu trên tổng số 51 triệu cổ phần công ty này để đảm bảo cho các khoản vay vốn lớn.

bi an dong tien nghin ti do vao aquaone mot toan tinh loi ich khung
AquaOne của Shark Liên đem cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước sạch trong hệ sinh thái làm tài sản đảm bảo.

Điều lạ hơn nữa, Công ty SSC thời điểm quý 4/2018 chỉ có vốn chủ sở hữu hơn 34,8 tỉ đồng (do làm ăn thua lỗ), tổng tài sản chỉ gần 34,7 tỉ đồng. Một công ty làm ăn thua lỗ, vốn mỏng như vậy sẽ huy động tiền ở đâu để cho AquaOne vay hàng trăm tỉ đồng? Theo báo cáo tài chính của SSC, trong quý 4/2018 công ty này bất ngờ ghi nhận khoản tiền uỷ thác đầu tư hơn 510 tỉ đồng từ nhà đầu tư trong nước, trong khi trước đó nguồn vốn uỷ thác này chỉ có gần 40 tỉ đồng. Và đây cũng là khoản tiền lớn nhất của SSC để phục vụ hoạt động đầu tư, cho vay vốn trong bối cảnh kết quả kinh doanh lẹt đẹt, doanh thu chưa tới 1 tỉ đồng và lợi nhuận cả năm 2018 chỉ có 3,4 tỉ đồng (chủ yếu từ hoạt động tài chính).

Bí ẩn dòng tiền uỷ thác 510 tỉ đồng đến từ nhà đầu tư trong nước nào để SSC chấp nhận cho AquaOne vay tiền, cầm cố bằng cổ phiếu doanh nghiệp là điều rất cần được làm rõ?

Để huy động vốn lớn, AquaOne đã thế chấp 16,64 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Nước AquaOne Hậu Giang, tương đương 32% vốn cổ phần làm tài sản đảm bảo tại VIAC (No.1) Limited Partnership, thế chấp 14,7 triệu cổ phần và 8,26 triệu cổ phần Công ty cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên (Mã: PWS) làm tài sản đảm bảo tại Công ty cổ phần Chứng khoán VPS và Ngân hàng TMCP Indovina - chi nhánh Thiên Long…

Vì sao VietinBank "bơm" vốn khủng?

Mặc dù Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống thuộc Công ty cổ phần Nước AquaOne có mức đầu tư 5.000 tỉ đồng, nhưng chủ đầu tư và AquaOne lại cho thấy năng lực tài chính khá "mong manh" khi phần lớn vốn đầu tư là đi vay ngân hàng và tổ chức kinh tế trong nước. Trong đó, số tiền gần 4.000 tỉ đồng là vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), còn lại vốn góp của doanh nghiệp chỉ chưa tới 1.000 tỉ đồng, chiếm 20% tổng mức đầu tư dự án.

Theo báo cáo tài chính, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống ký hợp đồng vay VietinBank – Chi nhánh Đô Thành với mục đích thanh toán các chi phí để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy mặt nước sông Đuống. Tài sản đảm bảo là toàn bộ các công trình xây dựng, động sản và các quyền tài sản hình thành trong tương lai của dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống. Khoản vay này trả làm nhiều lần bắt đầu từ ngày 5/1/2020 đến 31/12/2033.

Có thể thấy, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã thế chấp toàn bộ tài sản của dự án và các quyền tài sản phát sinh từ quá trình vay vốn đầu tư dự án cho VietinBank. Trong khi đó, phần lớn cổ phần (hơn 40% của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống) cũng đã được AquaOne thế chấp cho 2 khoản nợ vay lớn khác. Điều này có thể đặt ra tình huống Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống gặp khó khăn, không thể trả được nợ cho Vietinbank thì ngân hàng sẽ siết nợ toàn bộ tài sản của công ty. Khi đó, các chủ nợ (ở đây là Indovina và SSC) sẽ đối mặt nguy cơ doanh nghiệp "rỗng ruột", toàn bộ cổ phần Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống sẽ không còn giá trị như định giá ban đầu, thậm chí là 0 đồng nếu công ty này bị phá sản.

Điều lạ hơn, Vietinbank Capital - công ty quản lý quỹ của Vietinbank cũng xuất hiện tại Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống trong vai trò uỷ thác của nhà đầu tư. Theo đó, thời điểm tháng 6/2016, Vietinbank Capital nắm tới 58% cổ phần vốn góp ban đầu của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống, tương đương 580 tỉ đồng. Đến năm 2018, khoản vốn 58% của VietinBank Capital và 27% của VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore mới được chuyển sang các cổ đông khác, trong đó có Công ty cổ phần nước AquaOne, Công ty cổ phần quản lý quỹ Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14.

bi an dong tien nghin ti do vao aquaone mot toan tinh loi ich khung
VietinBank Capital từng là cổ đông lớn nhất của Nước mặt Sông Đuống. Ảnh chụp từ BCTC Công ty CP nước mặt sông Đuống.

Ngoài VietinBank Capital, nguồn tiền đổ vào dự án này đến từ Ngân hàng Indovina như đề cập ở trên khi ngân hàng cho vay hàng trăm tỉ đồng thông qua việc nhận cầm cổ hàng chục triệu cổ phiếu Sông Đuống của AquaOne.

Một chi tiết trùng hợp là Indovina Bank là ngân hàng liên doanh được thành lập với phần vốn góp 50% từ VietinBank và 50% từ Ngân hàng Cathay United (Cathay United Bank – CUB). Đến cuối năm 2015, vốn điều lệ của Indovina là 193 triệu USD, trong đó VietinBank và Cathay United Bank mỗi bên góp 96,5 triệu USD.

Như vậy, đến cuối năm 2018, tổng số tiền mà VietinBank và các thành viên liên quan của Vietinbank đã rót vào dự án nước mặt Sông Đuống không dừng ở gần 3.000 tỉ đồng vốn tín dụng trực tiếp, khi mà chi phí đầu tư dở dang của dự án đến cuối 2018 chưa đến 3.200 tỉ đồng. Nguồn vốn thực tế đã được các định chế tài chính này "bơm" cho các pháp nhân đầu tư, quản lý vận hành Nhà máy nước mặt Sông Đuống là bao nhiêu?

Phải chăng khi phê duyệt phương án tài chính đầu tư Nhà máy nước mặt Sông Đuống, TP Hà Nội đã "sẵn sàng" đối mặt với việc phải "bù lỗ" cho nhà máy này cùng với dự tính chia sẻ rủi ro tài chính từ hàng vạn người tiêu dùng "cõng" giá nước cao?

Mai Anh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường