Biến đổi khí hậu: Thế giới đang tiến đến điểm ‘không thể quay đầu’

Những hiện tượng thời tiết cực đoan tăng đột biến gần đây đang cho thấy biến đổi khí hậu đang chạm đến điểm “không thể quay đầu”.
Giảm phát thải CO2: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở Đông Nam ÁBiến đổi khí hậu khiến các hình thái thời tiết cực đoan nghiêm trọng hơnChống biến đổi khí hậu: Chưa bao giờ là muộnBiến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng càng trở nên tồi tệ

Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với môi trường sống hiện nay cũng như tương lai của con người. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Kể từ năm 2015, nền nhiệt Trái Đất đã ấm lên trung bình 1 độ C, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, sau đợt nắng nóng chết người ở Mỹ và Canada, nơi nhiệt độ tăng trên 49,6 độ C vào hai tuần trước, trận lụt ở châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến thời tiết khắc nghiệt thậm chí còn tồi tệ hơn dự đoán.

tm-img-alt
Ngày 14/7, trận mưa lớn chưa từng thấy suốt 1 thế kỷ qua vừa xảy ra tại Đức và Bỉ, khiến hơn 60 người chết và hàng ngàn người mất tích. (Ảnh: AP)

Ngày 14/7, lũ lớn ở Tây Âu do các trận mưa đại hồng thủy trăm năm có một đã làm ít nhất 110 người chết, hàng nghìn người mất tích và hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập lụt. Kỷ lục về lượng mưa đã liên tục bị phá vỡ tại nhiều khu vực rộng lớn.

Khu vực của Rhineland-Palatinate và North Rhine-Westphalia bị ngập với lượng mưa 148 lít trên mỗi mét vuông trong vòng 48 giờ, so với thông thường là khoảng 80 lít trong cả tháng 7.

Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã dự đoán rằng lượng khí thải của con người sẽ gây ra nhiều lũ lụt, sóng nhiệt, hạn hán, bão và các dạng thời tiết khắc nghiệt khác, nhưng mức tăng đột biến mới nhất đã vượt qua nhiều dự đoán trước đây. Nguyên nhân được các nhà khoa học nhận định là do mức độ phát thải của con người khiến cho những cơn bão có khả năng xảy ra nhiều hơn, nhưng trận mưa như trút nước kỷ lục sẽ xảy ra trên quy mô toàn cầu.

Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Tầm trung châu Âu cho biết: Với biến đổi khí hậu, chúng tôi cho rằng tất cả các hiện tượng khí tượng thủy văn sẽ trở nên cực đoan hơn. Những gì chúng tôi đã thấy ở Đức đang phù hợp với xu hướng này.

tm-img-alt
Thung lũng Chết là khu vực thấp nhất, khô và nóng nhất tại Mỹ. (Ảnh: Matt Kazmierski)

Châu Mỹ là tâm điểm trong những tuần gần đây. Hai tuần trước, kỷ lục nhiệt hàng ngày của quốc gia Canada đã vượt hơn 5 độ C. Cuối tuần trước, trạm quan trắc tại Thung lũng Chết ở California đã ghi nhận mức nhiệt 54,4 độ C.

Vùng viễn bắc của châu Âu cũng oi bức trong đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 6, và các thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Libya đã phải chịu đựng nhiệt độ cao bất thường trong những tuần gần đây.

Bảy năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận kể từ năm 2014 đến nay, phần lớn là do hệ quả của sự nóng lên toàn cầu, nguyên nhân là do khói thải động cơ, đốt rừng và các hoạt động khác của con người. Các mô hình máy tính dự đoán điều này sẽ gây ra thời tiết khắc nghiệt hơn, có nghĩa là các kỷ lục sẽ bị phá vỡ với tần suất nhiều hơn ở nhiều nơi hơn.

Sự đa dạng sinh học cũng đang bị đe dọa với việc hơn 1 triệu loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Diện tích các hoang mạc đang mở rộng, trong khi các đầm lầy lại dần biến mất. Mỗi năm, thế giới mất đi 10 triệu ha rừng. Trên các đại dương, tình trạng đánh bắt hải sản quá mức và lượng khí CO2 do rác thải nhựa hấp thụ cũng đang ở mức báo động, khiến các vùng biển bị axít hóa, trong khi đó các rạn san hô đang bị tẩy trắng và chết dần.

Theo các chuyên gia, quỹ phát thải carbon - lượng khí thải mà các quốc gia còn có thể thải ra đến khi thế giới đạt mức nhiệt tăng 2 độ C - chỉ còn kéo dài đến năm 2028. Các quốc gia phải đưa ra được những kế hoạch phi carbon hóa nền kinh tế một cách nhanh chóng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19, để có thể nới rộng thêm quãng thời gian này. Vì vậy, đây là thời điểm thế giới cần đồng sức, chung tay hành động mạnh mẽ vì sự phục hồi xanh và phát triển bền vững.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thời gian qua, việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu được Chính phủ Việt Nam xác định là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam tích cực tham gia vào các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu của cộng đồng quốc tế nhằm biến “thách thức” do biến đổi khí hậu thành “cơ hội” phát triển bền vững cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam chủ động lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn bản pháp luật chính thức.

Trong thời gian tới, nhằm quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Đại hội XIII của Đảng xác định: Việt Nam cần “chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, cácbon thấp… Nâng cao tính chống chịu và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống kết cấu hạ tầng và của nền kinh tế… Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đây cũng là những hành động thiết thực, đóng góp tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ Trái Đất.

Minh Dương